Các khoá học mở trực tuyến đại trà (MOOCS) – một mô hình thực hiện xã hội học tập và học suốt đời

CÁC KHOÁ HỌC MỞ TRỰC TUYẾN ĐẠI TRÀ (MOOCS)

– MỘT MÔ HÌNH THỰC HIỆN XÃ HỘI HỌC TẬP VÀ HỌC SUỐT ĐỜI

Trần Thị Lan Thu, Bùi Thị Nga

Trung tâm Đào tạo Trực tuyến – Trường Đại học Mở Hà Nội

Email: thutl@hou.edu.vn; ngabt@ehou.edu.vn

 

Tóm tắt

Đáp ứng nhu cầu về giáo dục và đào tạo ngày càng phát triển đa dạng và phong phú, cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục và đào tạo với ứng dụng công nghệ thông tin đã được các nước trên thế giới và trong khu vực áp dụng có hiệu quả. Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo ra sự thay đổi lớn trên mọi lĩnh vực, E-learning là một phương thức học sử dụng trên nền tảng công nghệ cũng chịu tác động lớn và không ngừng thay đổi. Các khóa học mở trực tuyến đại trà (MOOCs) chính là một hình thức phát triển của loại hình đào tạo trực tuyến. Sự phát triển nhanh chóng của MOOCs trong những năm gần đây đã khiến cho việc học trở nên dễ dàng cho mọi người, ở mọi nơi và có thể miễn phí. MOOCs đã phát triển như là một trong những phương thức đào tạo phổ biến trong đào tạo trực tuyến. Góp phần tạo môi trường học tập mở đáp ứng đa dạng mọi nhu cầu và đối tượng tham gia học, đa dạng về nội dung, phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội học tập và học suốt đời, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Bài viết nghiên cứu về các mô hình khoá học mở trực tuyến đại trà (MOOCs) và dựa trên tham khảo một số hệ thống MOOCs của các nước trong khu vực, đề xuất mô hình các khoá học mở trực tuyến đại trà ở Việt Nam, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, giúp cho người học trên phạm vi lớn hơn có thêm nhiều lựa chọn về nguồn tài nguyên học tập, cách thức học tập để cập nhật kiến thức và kỹ năng một cách thuận lợi, đồng thời góp phần nâng cao trình độ dân trí của quốc gia, xây dựng xã hội học tập, học suốt đời, hội nhập quốc tế.

Từ khóa: giáo dục mở, moocs, xã hội học tập, học suốt đời, tài nguyên giáo dục mở.

  1. Nguồn tài nguyên giáo dục mở và các khoá học trực tuyến mở đại trà

1.1. Tài nguyên giáo dục mở

Tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) đang được xem là một nguồn tài nguyên thông tin khoa học hữu hiệu để hỗ trợ cho việc phổ cập giáo dục.

Khái niệm ‘tài nguyên giáo dục mở’ lần đầu tiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc – UNESCO đưa ra tại Diễn đàn 2002 về Khóa học mở (2002 Forum on OpenCourseware): “Tài nguyên giáo dục mở là các tư liệu học, dạy và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, mà nằm trong phạm vi công cộng hoặc từng được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tùy biến thích nghi và phân phối lại không mất chi phí, dù có hay không có những hạn chế. Việc cấp phép mở được xây dựng trong khuôn khổ các quyền sở hữu trí tuệ theo các quy ước quốc tế thích hợp xác định và tôn trọng tác giả của tác phẩm” [10]. Ngày 29/10/2015, Bộ Giáo dục Mỹ đã đưa ra định nghĩa OER trên website của mình khi phát động chiến dịch khuyến khích các trường học ‘Đi với Mở’ (#GoOpen) bằng các tài nguyên giáo dục như là: “Các tài nguyên giáo dục được cấp phép mở là các tư liệu học tập có thể được sử dụng cho việc dạy, học và đánh giá mà không có chi phí. Chúng có thể được sửa đổi và được phân phối lại mà không vi phạm các luật bản quyền” [9]. Theo đó OER tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và miễn phí với giấy phép mở, ở mức cao hơn, OER góp phần tạo ra sự bình đẳng trong giáo dục. Bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng tri thức. OER tạo cơ hội để các nước đang phát triển tiếp cận đến nguồn tài liệu khoa học chất lượng cao [5].

Có thể thấy, OER bao gồm 3 thành phần cơ bản: (1) nội dung học tập: đó là các khóa học, tài liệu học tập, mục tiêu học tập, bộ sưu tập, hay tạp chí; (2) các công cụ/ phần mềm để phát triển, sử dụng, tái sử dụng và phân phối nội dung học tập, cũng như việc tìm kiếm và tổ chức nội dung, hệ thống quản trị học tập, công cụ phát triển nội dung, các cộng đồng học tập trực tuyến; và (3) nguồn lực để thực hiện: đó là các giấy phép về quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy xuất bản các tài liệu mở, những nguyên tắc để triển khai cũng như bản địa hóa nội dung [7].

1.2. Sự phát triển của MOOCs

Thuật ngữ khóa học mở trực tuyến đại trà (Massive Open Online Courses – MOOCs) bắt nguồn từ năm 2008 trong trào lưu tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER), với mục tiêu nhắm tới số lượng lớn người học và được truy cập miễn phí qua mạng Internet. MOOCs hướng tới những khóa học cụ thể và được thiết kế riêng biệt theo từng lĩnh vực, môn học và được cung cấp như là những khoá học cụ thể để người học có thể tự do đăng ký [4]. Rõ ràng MOOCs cũng là một phần của OER.

Năm 2011, Đại học Stanford mở ba khóa học trực tuyến, và mỗi khoá học có khoảng 100,000 người đăng ký, dẫn đến việc khai trương Coursera – công nghệ được phát triển tại chính Stanford – với hai khóa học: Học máy (Machine Learning) bởi giáo sư Andrew Ng và Cơ sở dữ liệu (Databases) bởi Giáo sư Jennifer Widom. Đây chính là hai khoá học MOOCs đầu tiên của Stanford. Sau đó Coursera tuyên bố là đối tác với một số trường đại học trong đó có Pennsylvania, Princeton và Michigan. Đến nay Coursera đã cung cấp nền tảng MOOC cho hơn 70 trường. Theo trào lưu này, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) khai trương nền tảng trực tuyến mở và miễn phí MITx vào năm 2011. Đến năm 2012 Đại học Harvard tham gia vào và nền tảng này đổi tên thành edX. Trong năm đó các trường Đại học California, Đại học Berkeley cũng tham gia edX. Đến nay edX được cung cấp cho nhiều trường Đại học khác trên thế giới. Gần như toàn bộ các trường trong nhóm Ivy League ở Mỹ cũng đã liên kết với các nhà cung cấp MOOCs. MOOCs đã phát triển nhanh chóng sang Châu Âu, tới các nước Anh, Đức, Hà Lan, … và sang châu Á (Úc, Nhật, Hồng Kông) vào năm 2012. MOOCs đã trở thành một trong những chủ đề nóng nhất trong giáo dục. [17].  Theo một khảo sát diện rộng của nhóm tác giả công bố trên Harvard Business Review ngày 22-9-2015, Coursera, edX và các nhà cung cấp MOOCs khác đã thu hút khoảng 25 triệu người học chỉ trong ba năm. Khảo sát cũng cho thấy số lượng lớn người học MOOCs nhận thấy lợi ích đối với nghề nghiệp (72%) và việc học tập (61%) của bản thân, đã tạo những thay đổi tích cực cho hàng triệu người trên thế giới [11].

Tại Việt Nam, từ những năm 2007-2008 ra đời các đơn vị cung cấp giáo dục trực tuyến: Hocmai – Cổng học tập K12, eGame – Công ty cổ phần trò chơi giáo dục trực tuyến, hay hoc360.vn. Năm 2013-2014, nội dung được hiển thị đã phương tiện trên nhiều thiết bị khác nhau (máy tính, máy tính bảng, điện thoại). Nhiều App học tập cho điện thoại được ra đời như ViettelStudy ra mắt gây được tiếng vang lớn. Tiếp theo tháng 5/2013, Dream Viet Education bắt đầu xây dựng hệ thống website: kyna.vn. Cũng năm đó cổng giáo dục trực tuyến mở GiapSchool chính thức ra mắt có thể coi đây là một tín hiệu không nhỏ với giáo dục Việt Nam và được coi là trường học đặc biệt. Vào cuối năm 2014 Công ty cổ phần giáo dục TOPICA English cho ra đời Edumall.vn – như là một “siêu thị” các khóa học trực tuyến. Năm 2016 tiếp tục được đánh dấu là năm bùng nổ về mặt số lượng edtech gia nhập vào thị trường đào tạo trực tuyến như Unica của iNet Academy (thuộc iNet Coporation). Như vậy, các hệ thống cung cấp khóa học mở trực tuyến đã phát triển và có các thành tựu rất lớn. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực thì MOOCs ở Việt Nam còn nhiều việc phải làm mới tiến kịp các nước [15].

Thực tế, có nhiều nhận định về các khóa học trực tuyến mở (MOOCs). Một mặt cho rằng sự tăng trưởng chóng mặt của các khóa học trực tuyến đang là sự cạnh tranh lớn của các trường đại học, nhưng mặt khác lại cho rằng MOOCs mang lại cơ hội cho các trường đại học sử dụng tốt hơn công nghệ để nâng cao uy tín. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng các khóa học MOOCs được kỳ vọng quá mức, dẫn tới tỷ lệ lao động không có bằng đại học tăng cao và các công ty thuê lao động chấp nhận MOOCs là một trong những tiêu chuẩn ngang với bằng cấp chính quy. Dù có nhận định thế nào đi chăng nữa cũng không phủ nhận được vai trò của MOOCs góp phần thúc đẩy cho học tập suốt đời của công dân mỗi quốc gia.

  1. Các hình thức triển khai các khóa học trực tuyến mở đại trà và kinh nghiệm ở một số nước trong khu vực

2.1. Thành phần, cấu trúc và các mô hình hoạt động của MOOCs

2.1.1. Các thành phần của MOOCs

Yassine Tabaa và Abdellatif Medouri cho rằng MOOCs được cấu thành bởi 5 thành phần chính: giảng viên, người học, chủ đề, học liệu và bối cảnh [1].

  • Giảng viên – Đơn giản hóa quá trình học tập thông qua việc xây dựng các tài liệu, tương tác với người học, quản lý đánh giá liên quan đến kết quả học tập.
  • Người học: Bất cứ ai có nhu cầu học. Người học có thể theo đuổi bằng cấp chính thức hay không. Hoặc là những người chỉ đơn giản quan tâm khóa học và không có mục tiêu chính xác là cũng được phép đăng ký.
  • Chủ đề – Chủ đề được phát hiện thông qua người học, giảng viên, tài liệu và ngữ cảnh. Thành phần này được giới thiệu trên khắp hệ thống học tập chứ không chỉ trong kho. Chủ đề nghiên cứu có giới hạn nhất định nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ để cung cấp trong phạm vi rộng.
  • Học liệu: Nằm trong các trang web, đa dạng và có nhiều loại và được truy cập thông qua các giải pháp công nghệ khác nhau.
  • Bối cảnh – Đại diện cho các tác nhân khác nhau tạo thành một môi trường học tập. Điều này có thể kết hợp mạng xã hội trực tuyến, CNTT, giải pháp, nguồn gốc thông tin thông thường, các loại kế hoạch chuyển giao thông tin, hệ thống truyền thông, kết quả học tập dự định, và phân nhóm.

Bên cạnh đó, các bài tập – là một dạng học liệu, là một thành phần quan trọng của MOOCs. Học viên có thể tải lên hệ thống bài làm của mình, các bài tập có thể được đánh giá một cách tự động. Một thành phần khác nữa là Diễn đàn, nơi học viên đặt câu hỏi, ý kiến thảo luận mà các học viên khác cùng với các giảng viên tham gia, trả lời. Thông thường, không có điều kiện tiên quyết khi tham gia MOOCs, ngoài việc có quyền truy cập vào một máy tính có kết nối internet. Phần lớn thời gian, nền giáo dục hay học vấn của học viên không quan trọng. Học viên thường không cần phải sách hay giáo trình cho các khóa học này, bởi vì tất cả các học đều được cung cấp trong nội dung MOOCs hoặc được liên kết với các văn bản truy cập mở.

2.1.2. Cấu trúc MOOCs

Về công nghệ: Các khóa học MOOCs được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, có yêu cầu về tính khả dụng tương tự như các trang web chia sẻ nội dung /phương tiện truyền thông với số lượng lớn người đăng ký. MOOCs thường sử dụng điện toán đám mây và thường được tạo ra bằng các hệ thống phần mềm. Các công cụ tạo cho phần nhiều các MOOCs hiện nay là các gói phần mềm giáo dục đặc biệt như Elicitus, IMC Content Studio và Lectora dễ sử dụng và hỗ trợ các tiêu chuẩn học tập điện tử như SCORM và AICC.

Về bài giảng: Thông thường một khóa học trên MOOC kéo dài từ 6 đến 12 tuần. MOOC có thể được truy cập 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Một lớp học tiêu chuẩn sẽ trở thành một MOOC với bài giảng là những video kéo dài 5 – 10 phút. Việc học của học viên trong MOOC thường được đánh giá bằng các câu hỏi trắc nghiệm. Các giảng viên tham gia giảng dạy thường mất nhiều nhiều thời gian cho việc chuẩn bị nội dung các khóa học, như ghi lại các bài giảng trực tuyến và chuẩn bị các nội dung khác. Khi triển khai khóa học thì các giảng viên sẽ một thời lượng nhất định ví dụ 8 – 10 giờ mỗi tuần để tương tác với học viên, trả lời câu hỏi và tham gia vào các diễn đàn thảo luận.

Về dịch vụ: Có nhiều dịch vụ được cung cấp theo hướng thương mại hóa, có thể cung cấp cho học viên một cách riêng lẻ hoặc theo các gói. Các dịch vụ này bao gồm: bài giảng, giảng dạy, đánh giá, cấp chứng nhận, công nhận chuyển đổi…

2.1.3. Các mô hình hoạt động của MOOCs

MOOCs là một hiện tượng, vẫn đang là quá trình phát triển. Tuy nhiên, các khóa học MOOCs ban đầu có thiết kế tương đối dễ nhận dạng và phổ biến ở hầu hết các MOOC. Hai mô hình biến thể phổ biến nhất của MOOC là: xMOOC và cMOOC [3]:

  • xMOOC (transmissive MOOC): chủ yếu sử dụng mô hình giảng dạy tập trung vào việc truyền tải thông tin, với việc cung cấp nội dung chất lượng cao, đánh giá bằng máy tính (chủ yếu lấy phản hồi từ người học) và tự động hóa tất cả các giao dịch chủ yếu giữa người học và nền tảng học tập. Rất ít khi có sự tương tác trực tiếp giữa một cá nhân học viên với các giảng viên khóa học, hoặc các giảng viên có thể đưa ra ý kiến bình luận chung cho hàng loạt ý kiến bình luận của người học. xMOOC có thể được gọi là hình thức trực tuyến của các khóa học đại học truyền thống. Các MOOCs được cung cấp bởi các nền tảng như edX, Coursera, Udacity về cơ bản là xMOOC. Các MOOCs được cung cấp bởi các nền tảng như edX, Coursera, Udacity về cơ bản là xMOOC.
  • cMOOC (connectivist MOOC): Người học đóng vai trò xây dựng nội dung khóa học cũng như tự quản lý tiến độ học tập của mình dựa trên những tài liệu được cung cấp sẵn. cMOOC chủ yếu sử dụng cách tiếp cận mạng để học tập dựa trên những người học tự kết nối với nhau thông qua phương tiện truyền thông xã hội mở và kết nối. Công nghệ Internet như trình duyệt Web, email, wiki, diễn đàn thảo luận trực tuyến, mạng xã hội, YouTube,… cho phép người dùng tìm hiểu và chia sẻ thông tin với người khác. Không có chương trình giảng dạy được thiết lập trước và không có quan hệ chính thức – giáo viên để truyền đạt nội dung hoặc hỗ trợ người học. Học viên học hỏi với kiến ​​thức đa trình độ được tạo ra thông qua cộng đồng những người tham gia.

Phần lớn các MOOCs được cung cấp hiện nay là xMOOC vì design thiết kế tuân theo cấu trúc học tập trực tuyến thông thường [6].

Ngoài xMOOC và cMOOC còn có thêm mô hình khác là: SPOC (Small Private Online Course) hỗ trợ cho các lớp học truyền thống ở các trường đại học hoặc SOOC (Small Open Online Course) dành cho các khóa học cần phân loại học viên dựa trên bài kiểm tra đầu vào.

  • Tham khảo một số MOOCs tại các nước trong khu vực

Hiện tại, nhiều trường đại học mở ở châu Á cung cấp MOOC: ví dụ: kMOOC của Đại học Mở Quốc gia Hàn Quốc, jMOOC của Đại học Mở Nhật Bản, ThaiMOOC của Đại học Mở Sukhtothai Thammathirat, v.v. Khi chúng ta nói về giáo dục ở châu Á, người ta phải nhớ rằng lục địa châu Á rất đa dạng về kinh tế xã hội, văn hóa và ngôn ngữ. Đây cũng là ngôi nhà của 56,4% dân số thế giới và nó có một lục địa trẻ với 1,6 tỷ người trong độ tuổi từ 0 đến 24. Hơn 50% người dùng internet đến từ Châu Á với sự phân hóa không đồng đều. Ở Hàn Quốc, tỷ lệ truy cập internet là 92%, trong khi đó, ở Afghanistan, chỉ là 12% (Belawati, 2016). Ngoài các MOOCs được cung cấp bởi các nhà cung cấp châu Á, các nhà cung cấp MOOCs hàng đầu Coursera và edX thu hút một lượng lớn người học cho các khóa học của họ từ châu Á.

  • Tại Nhật Bản

JMOOC – Hội đồng xúc tiến giáo dục mở trực tuyến lớn Nhật Bản được thành lập tháng 11 năm 2013. JMOOC chia sẻ các giá trị thông qua việc học tập tại Nhật Bản và Châu Á dựa trên sự hợp tác giữa học viện và doanh nghiệp. JMOOC bao gồm thành viên tiêu biểu là các doanh nghiệp NTT Docomo, Creative Link Coporation, Nagase Brothers Inc, Netlearning, Fujitsu. Các thành viên thường xuyên với hơn 30 trường đại học trong cả nước là các trường Đại học như Đại học Tokyo, Waseda, Chuo, Hokaido, Osaka… Hơn 140 khóa học về các lĩnh vực quản trị kinh doanh, thiết kế, khoa học máy tính, giáo dục, kỹ sư, chăm sóc sức khỏe, nhân lực, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, toán và phân tích, khoa học và kỹ thuật với hơn 500.000 lượt đăng ký. Các khóa học vượt qua quá trình kiểm tra này đủ điều kiện là các khóa học được chứng nhận JMOOC, và được chia thành một trong 3 loại sau dựa trên cơ sở cung cấp khóa học và nội dung của chính khóa học. Loại I: Các khóa học đại học được cung cấp bởi các trường đại học; Loại II: Các khóa học được cung cấp bởi các trường cao đẳng kỹ thuật và trường dạy nghề, các khóa học được đề xuất bởi các tổ chức nghiên cứu công cộng, và các khóa học được đề xuất bởi các xã hội học thuật; Loại III: Các khóa học đặc biệt và mở rộng được cung cấp bởi các trường đại học, các khóa học được cung cấp bởi các công ty và doanh nghiệp. JMOOC cung cấp cơ hội để tham gia các khóa học cấp đại học với đăng ký khóa học đơn giản và toàn bộ quá trình học tập, bao gồm xem video bài giảng, được chấm điểm cho các bài kiểm tra và bài tập, và nhận chứng chỉ hoàn thành, được cung cấp hoàn toàn miễn phí. Rất nhiều người học từ dưới 20 đến trên 80 tuổi, đang tham gia các khóa học. Tính đến tháng 9 năm 2016, 143 khóa học được chứng nhận JMOOC được cung cấp. Khoảng 250.000 người học duy nhất được đăng ký, với 610.000 người đăng ký khóa học. Hầu hết những người đăng ký là sinh viên tốt nghiệp đại học và một số trong số họ có bằng cấp cao khác, họ có động lực cao để học tập liên tục [12]. Bên cạnh JMOOCs, Trường đại học Mở của Nhật Bản cũng hình thành nhiều trang MOOCs gắn với loại hình đào tạo mở và từ xa đặc thù của trường, cung cấp các khoá học mở và huy động nguồn tài nguyên giáo dục mở.

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: https://www.jmooc.jp

  • Tại Hàn Quốc

K-MOOC là một khóa học mở trực tuyến Hàn Quốc được thành lập vào năm 2015, cung cấp các khóa học miễn phí cho bất cứ ai, bất cứ nơi nào. Tham gia phát triển KMOOC ngoài Bộ Giáo dục và chủ doanh nghiệp còn có Viện Giáo dục trọn đời, các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty, cơ sở đào tạo nghề và tổ chức dịch vụ công cộng. Hiện tại, các khóa học đã được hoàn thành với các quá trình học tập tương tác như hỏi và đáp, thảo luận, câu hỏi và nộp bài tập. Phù hợp với xu hướng toàn cầu của giáo dục đại học mở. KMOOC mục đích mở các bài giảng chất lượng cao để nhận ra sự cân bằng các cơ hội thực tế trong giáo dục đại học và đổi mới trong các lớp học đại học. Các khóa học bao gồm cho các đối tượng: Thiếu niên – truy cập tài liệu học tập trực tuyến để khám phá những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai; Sinh viên đại học – truy cập tài liệu học tập trước khi đến lớp và đào sâu kiến thức thông qua các tài liệu bổ sung; Người học suốt đời – tìm hiểu về các xu hướng mới nhất và thông tin dựa nhu cầu, sở thích và lợi ích cá nhân; Người tìm việc và nhân viên – tăng cường năng lực cá nhân phục vụ công việc, khám phá các mặt hàng kinh doanh mới, và nâng cao năng lực nghề nghiệp. Các thành viên của hệ thống MOOC: bao gồm gần 100 các trường đại học và các học viện tham gia đóng góp cho MOOC. Tổng số 785 khóa học được chia làm 3 loại: các khóa ngắn từ 1-6 tuần; khóa trung từ 7-12 tuần và khóa dài lớn hơn 13 tuần với 3 ngôn ngữ là tiếng Hàn, tiếng Anh và tiếng Pháp. Số lượng các tổ chức tham gia cung cấp và điều hành các khóa học là 87 tổ chức vào năm 2018, và có kế hoạch mở rộng số lượng bài giảng và các tổ chức tham gia mỗi năm [13].

Bảng thống kê số lượng tham gia KMOOC qua các năm

Nguồn: http://www.kmooc.kr/

  • Tại Thái Lan

ThaiMOOC là một hệ thống giáo dục mở dưới sự giám sát của Văn phòng Dự án Đại học Điện tử Thái Lan (TCU) của Ủy ban Giáo dục, cung cấp cơ hội cho sinh viên và công chúng học miễn phí. Tất cả các khóa học trên hệ thống ThaiMOOC có thể được đăng ký trực tuyến miễn phí. Mô hình giảng dạy trực tuyến của ThaiMOOC là tự học. Người học có thể xác định thời gian tham gia học theo nhu cầu riêng của họ. Các khóa học đều có các tiêu chí để đánh giá các điều kiện riêng khác nhau. Các bài học trực tuyến tại ThaiMOOC chủ yếu là các khóa học ngắn. Sau khi hoàn thành khóa học, sinh viên sẽ nhận được chứng chỉ trực tuyến. ThaiMOOC đã tổ chức hợp tác với cả các trường đại học trong nước và quốc tế. Bao gồm cả các cơ quan nhà nước và tư nhân. Mỗi khóa học thời lượng tùy thuộc vào nội dung của từng môn học. Trung bình, thời gian học thông qua các khóa học trực tuyến của mỗi môn học sẽ là 4 – 6 tuần. Hiện đang có 130 khóa học về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kỹ năng. Tính đến 1/4/2019 có 157628 lượt đăng ký, với 300 khóa học, 97 khóa chạy lại, 68 học viện sản xuất khóa học. ThaiMOOC sử dụng nền tảng edX và tất cả các khóa học đều hữu ích cho sinh viên trong suốt cuộc đời của họ [16].

Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đề xuất việc bảo đảm giáo dục chất lượng toàn diện và công bằng và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả vào năm 2030. Hiệp hội các trường đại học Mở Châu Á (AAOU) trong bối cảnh này đã triển khai xây dựng “Asian MOOCs” cung cấp các MOOCs chất lượng với ý tưởng huy động các trường đại học Mở thành viên tham gia. Ban điều hành Asian MOOCs đã được thành lập từ năm 2016 với mục tiêu sáng lập, phát triển và mở rộng Asian MOOCs có sự tham gia đóng góp của các Trường đại học Mở thành viên của Hiệp hội cung cấp các khoá học mở trực tuyến đại trà, thực hiện mục tiêu giáo dục suốt đời và kết nối chia sẻ nguồn tài nguyên giáo dục. Ban điều hành Asian MOOCs đang tiến hành những nghiên cứu để cung cấp khung đảm bảo chất lượng các khoá học mở được cung cấp trên Asian MOOCs, tiến tới công nhận, chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học tham gia, hình thành mạng lưới giáo dục tạo cơ hội học tập và hội nhập cho mọi người ở các quốc gia [2].

  1. Đề xuất mô hình MOOC cho Việt Nam

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng ứng dụng E-learning cao hàng đầu trong khu vực bên cạnh các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ (với tốc độ tăng trưởng 40%/năm theo báo cáo của Hệ thống quản lý đào tạo trực tuyến Dobeco), đồng thời, có hơn 100 đơn vị đang khai thác thị trường giáo dục trực tuyến [18].

Trong bối cảnh này, nhằm phục vụ cho nhu cầu thúc đẩy học tập suốt đời của người dân, đồng thời cung cấp cơ hội hợp tác về lĩnh vực đào tạo trực tuyến cho các trường đại học, hỗ trợ tăng cường mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà nghiên cứu, các giảng viên trong phạm vi cả nước, cần thiết xây dựng hệ thống MOOC ở phạm vi quốc gia.

Hệ thống MOOCs ở phạm vi quốc gia (tạm gọi là V-MOOC – Vietnamese MOOCs) sẽ là nơi cung cấp các khoá học mở được kiểm duyệt chất lượng, với sự tham gia của các trường đại học, Viện nghiên cứu, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các cơ quan, doanh nghiệp trong việc cung cấp, chia sẻ nội dung, phát triển hệ thống.

Mục tiêu của V-MOOC sẽ hướng tới phục vụ cộng đồng, thực hiện chủ trương xã hội học tập và học suốt đời, góp phần tạo sự công bằng trong giáo dục. Đối tượng phục vụ là sinh viên, học sinh, những người đi làm và tất cả những người có nhu cầu học tập. Nội dung các khoá học được cung cấp đa ngành, đa lĩnh vực nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, phát triển kỹ năng phục vụ các nhu cầu kiến thức học thuật, kỹ năng nghề nghiệp, làm việc ở nhiều lĩnh vực. Thông qua hệ thống đánh giá trong MOOCs và thu thập dữ liệu có thể giúp cho quá trình nghiên cứu và phát triển để hoạt động giảng dạy trên hệ thống có chất lượng hơn.

Việc phát triển hệ thống dạy và học trực tuyến trong hệ thống mở có thể chứa số lượng người học không giới hạn với cơ sở dữ liệu người học. Người học có thể được tích lũy tín chỉ chuyển đổi để được cấp bằng đại học theo điều kiện của mỗi trường thành viên và qui chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thực hiện kết nối và mở rộng, V-MOOC cho phép tạo sự liên kết giữa các trường đại học, Viện nghiên cứu, huy động nguồn lực là các giảng viên, nhà khoa học tham gia. Đồng thời các trường đại học cũng có cơ hội hợp tác chuyển đổi tín chỉ tích lũy cho sinh viên. Bên cạnh đó, việc tham gia và thiết lập hợp tác với mạng lưới các khóa học mở trong phạm vi khu vực và quốc tế sẽ gia tăng hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nói chung của các trường đại học.

Kết luận

Tại Việt Nam với định hướng Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 – 2020 đã có quan điểm chỉ đạo: “Mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt; có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời; xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên; đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường”[8].  Vì vậy các trường đại học phải là các đơn vị tiên phong trong việc phát triển, xây dựng nền giáo dục hướng tới xã hội học tập, cung cấp tri thức phục vụ cho việc học tập suốt đời của các thành phần trong xã hội. Việc xây dựng hệ thống cung cấp các khóa học mở trực tuyến đại trà là một giải pháp phù hợp với hiện nay, là môi trường cho những chuyên gia giàu kinh nghiệm chia sẻ các kiến thức chuyên môn với số đông người khác, là cầu nối giữa nhà trường và xã hội, người dân, cầu nối giữa các nhà trường với nhau góp phần thúc đẩy một nền giáo dục phát triển, nâng cao dân trí cho cộng đồng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Abdelmalek Essaadi University Tetouan, Morocco; Abdellatif Medouri Information and Communication Systems Laboratory College of Sciences, Abdelmalek Essaadi University Tetouan, Morocco; ASyM: A Learning Analytics System for MOOCs, Yassine Tabaa Information and Communication Systems Laboratory College of Sciences, (IJACSA) International Journal of Advanced Computer Science and Applications, Vol. 4, No. 5, 2013
  2. ASIAN MOOCs, Progress report as of 30 July 2018
  3. Anthony Williams Tony Bates, Teaching in a digital age, Anthony Williams Tony Bates, April 2014)
  4. Baturay, M. H. An overview of the world of MOOCs // Procedia – Social and Behavioral Sciences. – 2015. – No. 174. – P. 427 – 433.
  5. Hewlett Foundation. Open Educational Resources. http://www.hewlett.org/programs/education/open-educational-resources
  6. Littlejohn, Allison. (2013)Understanding Massive Open Online Courses.
  7. Giving Knowledge for Free : the Emergence of Open Educational Resources. Truy cập từ http://www.oecd.org/edu/ceri/38654317.pdf.
  8. Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng xã hội học tập giao đoạn 2012-2020, 2013
  9. Trang của Bộ Giáo dục Mỹ, https://tech.ed.gov/open/
  10. http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/access-to-knowledge/open-educational-resources/what-are-open-educational-resources-oers/
  11. https://hbr.org/2015/04/measuring-the-return-on-character
  12. https://www.jmooc.jp
  13. http://www.kmooc.kr
  14. https://www.moocs.ph
  15. http://www.nguyentrihien.com/
  16. https://thaimooc.org
  17. https://vi.wikipedia.org/wiki/Trang_Ch%C3%ADnh
  18. https://www.evn.com.vn/d6/news/Ban-ve-dao-tao-truc-tuyen-E-leaning-tai-EVN-Xu-the-va-loi-ich–6-12-21606.aspx (Th.S Nguyễn Trí Hiển – chuyên gia lĩnh vực Edtech)
Scroll