Giáo dục trực tuyến mở đại chúng-MOOCS: Xu hướng thế giới và Việt Nam

GIÁO DỤC TRỰC TUYẾN MỞ ĐẠI CHÚNG-MOOCS:

 XU HƯỚNG THẾ GIỚI VÀ VIỆT NAM

Ths. Đặng Thị Thảo Ly, TS. Phan Thị Ngọc Thanh,

PGS. TS. Vũ Hữu Đức, TS. Nguyễn Lê Hoàng Thị Tố Quyên

*Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh

Tóm tắt

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang chi phối rất lớn đến cuộc sống của nhân loại, trong đó một mảng lớn đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển chính là lĩnh vực giáo dục. Những thành tựu của khoa học công nghệ ngày càng được áp dụng rộng rãi trong giáo dục và mở ra những cơ hội học tập thuận tiện hơn cho mọi người. Đó chính là nguồn gốc của sự ra đời các chương trình học trực tuyến, đặc biệt là các khóa học mở trực tuyến đại chúng (MOOCs). Bài viết này tập trung giới thiệu lược sử hình thành, thuận lợi, thách thức và xu hướng phát triển của MOOCs trên thế giới và tại Việt Nam. Ngoài ra, bài viết trình bày một trường hợp cụ thể tại Việt Nam, Trường Đại học Mở Tp. HCM, đang triển khai MOOCs với mục đích góp phần phục vụ cộng đồng và nâng cao dân trí.

Giới thiệu

Giáo dục trực tuyến mở đại trà (MOOCs) gần đây nhận được rất nhiều sự quan tâm của truyền thông thế giới, các doanh nghiệp, các chuyên gia giáo dục và một bộ phận công chúng có am hiểu về công nghệ thông tin. Sự hấp dẫn của MOOCs là vì MOOCs cung cấp quyền truy cập vào các khóa học tiên tiến một cách miễn phí, điều này làm giảm chi phí giáo dục đại học và có khả năng thay thế các mô hình giáo dục đại học truyền thống. Điều này đã khuyến khích các trường đại học đưa các khóa học gần hơn với cộng đồng bằng cách tiến hành xây dựng và phát triển các môn học trên các nền tảng học tập mở. Các trường Đại học danh tiếng trên thế giới cũng bắt đầu liên kết với các tổ chức như edX, Coursera để cung cấp các khóa học trực tuyến miễn phí hoặc chỉ thu một khoản phí nhỏ để cấp chứng nhận cho người học. Những tổ chức lớn như Pearson hay Google cũng đã lên kế hoạch tiếp cận xu hướng giáo dục mở và nhiều khả năng là sẽ áp dụng cách tiếp cận của MOOCs để đặt chân vào lĩnh vực này. Do đó, ngày càng có nhiều tổ chức tham gia phong trào xây dựng giáo dục trực tuyến mở đại trà – MOOCs (ví dụ, Coursera hiện có hơn 150 tổ chức, trong khi edX có hơn 107 thành viên hợp tác) và ngày càng có nhiều tổ chức giáo dục bắt đầu cung cấp các khóa học MOOCs. Sự quan tâm ngày càng tăng đối với MOOCs mở ra cơ hội khám phá các phương pháp sư phạm và mô hình kinh doanh trực tuyến mới trong giáo dục (Kolowich, 2013).

Sự phát triển nhanh chóng của MOOCs là khởi nguồn của những tranh luận có tính chiến lược về tiềm năng và ảnh hưởng của MOOCs trong giáo dục đại học và buộc các tổ chức giáo dục ở Việt Nam phải cân nhắc đến việc áp dụng MOOCs và đào tạo trực tuyến như là một chiến lược phát triển cho tương lai. Trước bối cảnh ấy, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn việc xây dựng và phát triển MOOCs như là một kế hoạch chiến lược trong việc thực hiện sứ mệnh của mình và đáp ứng được nhu cầu của người học trong một thị trường giáo dục đang thay đổi rất nhanh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nhanh chóng cũng mở ra khả năng rủi ro cao nếu không có hiểu biết đầy đủ cũng như không có phân tích rõ ràng về MOOCs; chính vì thế, Trường Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh đã trải qua một thời gian rất dài để xây dựng chiến lược chặt chẽ để có thể đáp ứng những thách thức và cơ hội mà MOOCs mang đến.

Lịch sử phát triển và những đặc điểm của MOOCs

Massive Open Online Courses (MOOCs) là các khóa học trực tuyến mở đại chúng – một trong các xu hướng nổi bật nhất trong giáo dục đại học những năm gần đây. Thuật ngữ MOOCs đã được đặt ra vào năm 2008 bởi Dave Cormier của Trường Đại học Prince Edward Island để miêu tả khóa học của Siemens và Downes với tên gọi “Connectivisim and Connective Knowledge”. Khóa học này đầu tiên được triển khai theo 2 hướng; đầu tiên là mở ra cho một nhóm gồm 25 sinh viên, họ phải đóng học phí để tham gia học tập và tích lũy tín chỉ; đồng thời mở ra cho tất cả mọi người trên thế giới có thể học miễn phí và kết quả là hơn 2.300 người ở khắp nơi trên thế giới đăng ký học miễn phí khóa học này. Tất cả các nội dung khóa học được cung cấp thông qua hệ thống cung cấp dữ liệu RSS, và người học ở khắp mọi nơi có thể tham gia thông qua các công cụ tương tác bào gồm blog, moodle,…Sự thành công này đã tạo nguồn động lực cho Sebastian Thrun và đồng nghiệp ở Đại học Standford xây dựng khóa học trực tuyến mở đại chúng vào năm 2011 và đã thu hút hơn 160.000 người học từ hơn 190 quốc gia (World Bank, 2015). Từ đó, MOOCs trở thành một xu hướng mới mà rất nhiều các cá nhân, các trường Đại học và các tổ chức kinh doanh đầu tư xây dựng.

MOOCs ban đầu được xây dựng với các đặc điểm sau đây:

  • Massive: Có số lượng rất lớn những người tham gia học tập
  • Open: Cho bất kỳ ai có kết nối Internet có thể tham gia khóa học.
  • Online: Dạy và học trực tuyến
  • Courses: Nội dung khóa học được xây dựng cụ thể và triển khai một cách rõ ràng

Cùng với sự phát triển của công nghệ và yêu cầu giảng dạy, các tổ chức đã phát triển MOOCs thành 3 loại: cMOOC, xMOOC và vMOOC.

  • vMOOC: là một hình thức học trực tuyến chuyên biệt của một số ngành đòi hỏi mô phỏng và kỹ năng thực tế cao (ví dụ: nông nghiệp).
  • cMOOC (Connectivism MOOC) nhấn mạnh việc kết nối, học tập lẫn nhau. cMOOCs cung cấp một nền tảng để khám phá các phương pháp sư phạm mới ngoài các môi trường lớp học truyền thống.
  • xMOOC (giảng viên truyền thống) về cơ bản là một phần mở rộng của các mô hình sư phạm được thực hiện trong chính các tổ chức.

Tình hình triển khai MOOCs trên thế giới

Hollands và Tirthali (2014) cho rằng một số trường đại học và cao đẳng trên thế giới đang áp dụng phương pháp chờ xem (wait and see approach), và một số khác hoàn toàn chống lại việc áp dụng MOOCs vào giáo dục đại học. Một số tổ chức khác lại đang tích cực phát triển các MOOCs và có thể được gọi là các nhà sản xuất, một số danh sách các tổ chức cung cấp MOOCs bao gồm:

  • edX (https://www.edX.org/) là một hạ tầng MOOCs phi lợi nhuận do Massachusetts Institute of Technology và Harvard University cùng thành lập với 60 triệu USD. Hiện nay có 8 môn, như hóa học, khoa học máy tính, điện tử, y tế công, nhưng người ta dự đoán sẽ có thêm khoảng 20-30 môn trong năm 2013.
  • Coursera (https://www.coursera.org/) là một công ty vì lợi nhuận, bắt đầu với 22 triệu USD. Coursera hiện có 197 môn học trong 18 chuyên ngành, bao gồm khoa học máy tính, toán, kinh doanh, khoa học nhân văn khoa học xã hội, y, kỹ thuật và sư phạm.
  • UDACITY (https://www.udacity.com/) là một doanh nghiệp với vốn 21,1 triệu USD đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm, trong đó có River Ventures và Andreessen Horowitz. Udacity hiện có 18 môn dạy trực tuyến về khoa học máy tính, toán, khoa học tổng quát, lập trình và khởi nghiệp.
  • Udemy (https://www.udemy.com/) thành lập năm 2010, với khoản đầu tư $16 triệu USD. Udemy hiện có trên 5.000 môn, trong đó 1500 môn phải trả tiền, trung bình từ 20 đến 200 USD.
  • P2Pu (https://p2pu.org/en/) khởi động từ năm 2009 với nguồn tài trợ từ các Quỹ Hewlett Foundation và Shuttleworth Foundation. P2PU có hơn 50 môn và quá trình cải thiện chất lượng dựa vào ý kiến bình duyệt, rà soát, và phản hồi của cộng đồng.
  • Khan Academy (https://www.khanacademy.org/), do Salman Khan khởi sự năm 2008, đem lại hơn 3,600 bài giảng qua video trong những môn học thuật với việc thực hành bài tập liên tục và tự động.

Ứng dụng MOOCs tại Việt Nam

Những thuận lợi

Có thể nói rằng, MOOCs là xu hướng của thời đại và để có thể phát triển ngang tầm khu vực và tiến xa hơn là thế giới thì Việt Nam phải bắt đầu có những kế hoạch chiến lược phù hợp. Tuy nhiên, những nổ lực thay đổi cho phù hợp với xu hướng của thế giới và nhu cầu của thời đại cũng như thích ứng với phương pháp tiếp cận MOOCs của những nước đang phát triển, đặc biệt là trường hợp của Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn ban đầu. Do đó, những nghiên cứu, đánh giá về cách thức tiếp cận và triển MOOCs trong giáo dục đại học ở một số nước đang phát triển, như trường hợp của Việt Nam, vẫn còn chưa đầy đủ. Hơn nữa, tại Việt Nam, nhiều mô hình đào tạo trực tuyến ra đời, và nhiều khóa học trực tuyến miễn phí được xây dựng đại trà nhưng vẫn chưa được đánh giá đúng về chất lượng.

Theo cuộc phỏng vấn giữa vnExpress và TS. Giáp Văn Dương – người tạo ra khóa học MOOCs đầu tiên tại Việt Nam – GiapSchool, lợi thế đầu tiên mà Việt Nam có được là sự phân bố dân số trẻ; cụ thể, ước tính 34,5 triệu trong số 91 triệu người trong độ tuổi từ 15 đến 35. Đây là độ tuổi tham gia nhiều vào thị trường lao động (World Bank, 2015). Do đó, nhu cầu về giáo dục chất lượng, giá rẻ và linh hoạt là rất cao để chuẩn bị cho giai đoạn quan trọng này.

Tính đến cuối năm 2016, có khoảng 49,1 triệu người dùng internet tại Việt Nam, chiếm 52% dân số. Việt Nam là nước có thành tích tốt nhất ở Đông Á với mức tăng 23.951% trong giai đoạn 2000-2016 (MOET, 2016). Một khảo sát toàn diện gần đây của Cimigo (2016) cho thấy 72% dân số thành thị và 20% dân số nông thôn của Việt Nam đã sử dụng Internet thường xuyên. Ngoài ra, 69% và 28% công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên đã sử dụng điện thoại thông minh. Thu nhập trung bình toàn cầu thấp làm cho đặc tính “miễn phí” của MOOCs trở nên hấp dẫn hơn.

Ngoài ra, những điểm yếu và khuyết điểm cũng như sự cứng nhắc của hệ thống giáo dục truyền thống, khiến cho sự tồn tại của MOOCs mở ra một cơ hội mới đầy hứa hẹn cho giáo dục đại học ở Việt Nam. Bên cạnh đó, hiện tại, không có khóa học công khai nào về các MOOCs trên toàn thế giới hiển thị nội dung bằng tiếng Việt. Thực tế này giúp các MOOCs tại Việt Nam có cơ hội phát triển để phục vụ thị trường địa phương, trước khi mở rộng hơn nữa ra ngoài thế giới.

Những thách thức

Tuy nhiên, nền giáo dục Việt Nam chưa quen với khái niệm MOOCs. Hệ thống đào tạo truyền thống chủ yếu tập trung vào việc học cá nhân trong môi trường lớp học, đào tạo truyền thống thiếu tương tác giữa người dạy và người học, người học với người học. Tuy nhiên, gần đây, sự xuất hiện của một số mô hình đào tạo trực tuyến như Thuquandoannhan, Giap School đã đưa ra một điểm nhấn trong việc áp dụng công nghệ và đổi mới cho nền Giáo dục Việt Nam, cố gắng mở một mạng xã hội và tạo ra lợi ích cho xã hội.

Nhìn chung, bất lợi của việc xây dựng một khóa học trực tuyến mở đại trà – MOOCs tại Việt Nam có thể bắt đầu bằng việc ít kỷ luật hơn. Giáo dục theo hình thức MOOCs không có ràng buộc về thời gian, tài chính và không ai giám sát khiến cho người học không có ý thức chủ động hoàn thành việc học của họ.

  1. Giáp Văn Dương nói với VnExpress rằng thói quen sử dụng Internet của người Việt cũng là một điểm khó đối với MOOCs. Cụ thể, mặc dù Việt Nam có số lượng người dùng Internet cao, nhưng chủ yếu là cho mục đích thụ động, ví dụ: đọc báo trực tuyến, trò chuyện qua Zalo, Facebook, chơi trò chơi, v.v. (Nguyen, 2014). Do đó, sự hấp dẫn của các hoạt động học tập như MOOCs đối với người dùng Internet Việt Nam là không rõ ràng.

Trên thực tế, trong giáo dục truyền thống Việt Nam, mặc dù giảng viên dạy trực tiếp trên lớp, chất lượng rất thấp, nhưng rõ ràng xã hội sẽ hoài nghi về hiệu quả của một lớp học trực tuyến nơi không ai kiểm soát. Trên thực tế, đây là một mối quan tâm chung về tất cả các MOOCs. Phần trước đã đề cập đến những cơ hội phát triển các MOOCs tại Việt Nam. Tuy nhiên, câu hỏi của được đặt ra là thị trường này có đủ lớn để hoạt động hiệu quả hay không?

Đối với các trường đại học Việt Nam nói riêng, giáo dục trực tuyến có tiềm năng to lớn trong việc giúp các trường đại học đáp ứng một trong những nhiệm vụ cốt lõi của họ, đó là tăng khả năng tiếp cận giáo dục đại học cho mọi người. Tuy nhiên, các lớp học trực tuyến này lại không có sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên, dường như cung cấp rất ít hỗ trợ nhằm giúp sinh viên khắc phục thiếu sót trong học tập.

  1. Giáp Văn Dương nói với Vietnamnet về những thách thức khi thực hiện MOOCs tại Việt Nam năm 2013, đó là thách thức đầu tiên và quan trọng nhất trong giáo dục trực tuyến chính là việc dạy trực tuyến chứ không phải học trực tuyến. Nếu giáo dục Việt Nam có thể vượt qua khó khăn trong việc giảng dạy trực tuyến, thì việc học trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.

Vậy thách thức cụ thể là gì? Thách thức chính là vượt qua, hoặc ít nhất là một phần khắc phục sự thiếu cảm xúc trong quá trình dạy và học. Trong một cuộc phỏng vấn với những người tham gia học trực tuyến về cách họ nghĩ về các khóa học trực tuyến, 90% trong số họ cho biết đó là sự thiếu cảm xúc và khả năng kết nối – Làm thế nào chúng ta có thể cảm nhận được cảm xúc và tinh thần thông qua một máy tính? Đây thực sự là một thách thức lớn đối với các MOOCs ở Việt Nam và có lẽ cũng là thách thức lớn nhất đối với các quốc gia mà có văn hóa đòi hỏi các mối quan hệ tập thể xoay quanh cảm xúc nhiều hơn là các nền văn hóa tập trung cá nhân. Những người được hỏi cho biết khi nghe các bài giảng từ các giảng viên thực, họ có thể sử dụng tất cả các phương tiện biểu đạt khác nhau, như nói, nhìn, nghe, diễn đạt và ngôn ngữ cơ thể. Họ cũng có thể dừng lại để nói chuyện với giảng viên và bạn học. Họ có thể cười, suy nghĩ và biểu đạt cảm xúc Đó là một cuộc sống rất thực tế, rất tập trung, rất sống động và tình cảm.

MOOCs tại Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh  

Phản ứng tích cực của nhiều trường đại học Việt Nam trong một khoảng thời gian ngắn đối với sự xuất hiện của MOOCs cho thấy họ có khả năng đáp ứng và đảm bảo tính linh hoạt cần thiết trong việc nắm lấy những cơ hội phát triển mới tại thời điểm môi trường toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng. Mỗi trường sẽ cần phải tự cân nhắc xem có muốn sử dụng MOOCs hay không và như thế nào, thay vì, hoặc thêm vào các hình thức học trực tuyến khác. Điều này đòi hỏi các trường cần phát triển chiến lược đồng hành cùng danh tiếng cũng như sứ mệnh của trường, và đồng hành cùng sứ mệnh lớn hơn nhằm thay đổi bản chất của việc dạy và học, cũng như nâng cao vai trò của học trực tuyến.

Nắm bắt xu thế này, Trường Đại học Mở Thành Phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và xây dựng mô hình giáo dục trực tuyến mở đại chúng với tên gọi VMOOCs (Viết tắt của Việt Nam’s MOOCs). VMOOCs ra đời nhằm mục tiêu cung cấp các khóa học miễn phí góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy việc học tập suốt đời của người dân trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự bùng nổ cuộc cách mạng 4.0.

Trong mô hình của Trường, chỉ cần một máy tính có kết nối Internet, người học có thể tham gia lớp học tại bất kỳ nới đâu, bất cứ khi nào, giảm thiểu các chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, không gian. Người học cũng có thể tham gia học tập bằng các phương tiện công nghệ khác như laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng…Với VMOOCs, Nhà trường tạo ra một môi trường học tập hiệu quả, tiếp thu kiến thức mở khắp mọi nơi.

Khi xây dựng các khóa học VMOOCs, nhà trường đặt mục tiêu đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu. Sự kết hợp giữa Công nghệ và phương pháp giảng dạy hiệu quả sẽ trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng và thái độ trở thành những công dân toàn cầu có khả năng thích ứng nhanh với sự đổi mới của thị trường lao động chất lượng cao hiện nay.

Chương trình học được phát triển theo định hướng “Học chủ động, mọi lúc, mọi nơi” giúp người học phá bỏ những rào cản về không gian và thời gian để phát huy tối đa năng lực bản thân trong môi trường công nghệ hiện đại với hệ thống tự đánh giá dành cho người học. Các khóa học trực tuyến mở đại trà của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được mở ra cho tất cả mọi người khắp nơi trên đất nước Việt Nam nói chung và sẽ mở rộng ra cho toàn khu vực trong tương lại gần. Các khóa học được xây dựng trên tinh thần miễn phí hoàn toàn và theo hướng khuyến khích người học chủ động tham gia vào quá trình học, tự cá nhân hóa quá trình học tập của mình. Bài học được thiết kế ngắn gọn với lý thuyết phong phú và dẫn chứng, minh họa thực tế, đảm bảo tính ứng dụng cao.

Với phương châm mở rộng cơ hội học tập đến cho mọi người, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh xem việc xây dựng khóa học trực tuyến mở đại trà – VMOOCs là kế hoạch chiến lược. Chính vì thế, các khóa học VMOOCs mở về nội dung, mở về chi phí, mở về khả năng tham gia và tính tiếp cận dành cho người học ở khắp mọi nơi. Mỗi khóa học của VMOOCs được thiết kế đề cao tính tương tác và gần gũi với người học, giúp người học nhớ bài lâu và có thể nắm được từng đơn vị kiến thức của bài học.

Các khóa học trực tuyến mở đại trà VMOOCs của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh được phát triển theo định hướng giúp người học phá bỏ những rào cản để phát huy tối đa năng lực học tập của bản thân và hướng tới nguồn kiến thức bổ ích. Ngoài lượng lý thuyết nền tảng, bài học được thiết kế mang tính ứng dụng cao, giúp người học có thể ứng dụng ngay vào thực tiễn và sử dụng linh hoạt trong công việc. Người học thu được những kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề thực tế.

Với VMOOCs, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh tạo ra một môi trường học tập hiệu quả có sự liên kết giữa nội dung môn học và thực tế cuộc sống. Người học được phát triển các kỹ năng qua các khóa học đa dạng các kỹ năng sống, kỹ năng mềm, học thuật, nghiệp vụVới phương châm sẻ chia tri thức – tiếp bước thành công, VMOOCs mang lại cơ hội đào tạo và tái đào tạo cho cá nhân người học, các doanh nghiệp, công ty, cơ quan ban ngành…có mong muốn nâng cao chất lượng bản thân hoặc nguồn nhân lực nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh những thuận lợi kế thừa từ MOOCs trên thế giới và khu vực, VMOOCs của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Vấn đề về ngôn ngữ khi trường muốn liên kết với các khóa học nước ngoài hoặc muốn mở rộng các khóa học của trường ra thị trường thế giới, tài chính, chất lượng, thói quen vẫn đang là rào cản. VMOOCs từng bước được hoàn thiện và định hướng tạo ra mạng lưới kết nối chia sẽ nguồn tài nguyên giữa các trường trong nước và trên thế giới.

Kết luận và kiến nghị

Với những vấn đề kể trên, việc huy động đủ nguồn lực và hoạch định chiến lược cần thiết rất quan trọng trong việc xây dựng và triển khai MOOC, có thể kể đến:

  • Đội ngũ giảng dạy phải có khả năng trình bày tốt bên cạnh khả năng chuyên môn. Cùng với sự hỗ trợ từ đội ngũ kĩ thuật (platform, quay phim, thiết kế hướng dẫn, biên soạn môn học…), đây là nguồn nhân lực chính quyết định chất lượng của MOOC. Ngoài ra do quá trình xây dựng nội dung khóa học và quay phim có thể tốn nhiều thời gian và công sức nên khả năng làm việc nhóm cũng như tính kiên nhẫn cũng là các tố chất cần thiết.
  • Nội dung khóa học nên được chia nhỏ để giúp người học thuận tiện hơn trong việc theo dõi. Để tăng cường tính tương tác của khóa học, một số khóa học cho phép người học tham gia xây dựng bằng cách thảo luận, đóng góp nội dung (bài luận, video, hình ảnh… Với số lượng người học lớn, chiến lược này cũng góp phần trong quá trình xây dựng tri thức tập thể.
  • Do không bị giới hạn về vị trí địa lý, MOOC thường hướng đến đối tượng người học trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được mục tiêu trên, nội dung cũng như ngôn ngữ giảng dạy nên được xây dựng sao cho phù hợp. Các khóa học sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ giảng dạy thường thu hút nhiều học viên hơn so với các ngôn ngữ khác. Đối với các khóa học mang tính địa phương hóa hoặc có hướng tiếp cận các thị trường ngôn ngữ khác, các nhà tổ chức khóa học cần chú ý huy động và sử dụng nhân lực phù hợp cho việc xây dựng phụ đề hoặc biên dịch nội dung học.

 

References

Cimigo. (2016). Vietnam consumer market trends 2016. Retrieved from http://www.cimigo.com/en/researchreport/vietnam-consumer-market-trends-2016

Hollands, F. M., & Tirthali, D. (2014). Why do institutions offer MOOCs? Retrieved from https://www.academia.edu/9046539/Why_do_institutions_offer_MOOCs_2014_

ICT Center for Education MOET Vietnam. (2015). Vietnam higher education – Reform for the nation’s development. Retrieved from http://www.unescobkk.org/fileadmin/user_upload/apeid/workshops/macao08/papers/3-p7-4.pdf

Kolowich, S. (2013). How edX plans to earn, and share, revenue from its free online courses. The Chronicle of Higher Education. Retrieved from http://chronicle.com/article/How-EdX-Plans-to-Earn-and/137433/

Nguyen, M. H (2014). Using ideas from connectivism for designing new learning models in Vietnam. International Journal of Information and Education Technology, 4(1).

World Bank. (2015). Education in Vietnam: Development history, challenges and solutions. Retrieved from http://siteresources.worldbank.org/EDUCATION/Resources/278200-1121703274255/1439264-1153425508901/Education_Vietnam_Development.pdf

Scroll