Nghiên cứu triển khai thử nghiệm E-Learning tại Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội

TS. Đỗ Hồng Cường, TS. Phạm Ngọc Sơn, ThS. Phạm Ngọc Bằng

Tóm tắt:

Trong quá trình triển khai thử nghiệm dạy học trực tuyến e-learning, Nhà trường xác định nguồn dữ liệu bài giảng là yếu tố then chốt, quyết định đến sự thành công của mô hình dạy học mới này. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu về một số công việc thực tế đã triển khai như đầu tư thiết bị, xây dưng bài giảng, lựa chọn công nghệ để thử nghiệm việc dạy học trực tuyến tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

 Mở đầu

Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, đa trình độ, đối tượng phục vụ của Nhà trường rất đa dạng, phong phú. Bên cạnh đào tạo chính quy, Nhà trường còn có quá trình đào tạo lại cho đội ngũ giáo viên hiện đang dạy học tại các trường phổ thông, triển khai các khoá bồi dưỡng ngắn hạn, các đợt tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên, viên chức các đơn vị sự nghiệp. Do đó, việc sản xuất học liệu phục vụ quá trình đào tạo, tự đào tạo và đào tạo lại là rất cần thiết, đáp ứng được các hoạt động của Nhà trường, phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay.

Việc xây dựng học liệu không chỉ thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước mà còn góp phần quan trọng trong các hoạt động của Nhà trường, góp phần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, giảm chi phí ngân sách hoạt động, mở rộng đối tượng phục vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Có thể chia học liệu thành 2 nhóm:

  • Phục vụ các hoạt động đào tạo trong Nhà trường: Hệ thống học liệu phục vụ trực tiếp cho các hoạt động đào tạo trong Nhà trường, đáp ứng được các loại hình đào tạo khác nhau, kết hợp đào tạo trực tiếp và online, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.
  • Phục vụ các hoạt động dạy học ngoài Nhà trường: Đối tượng phục vụ bao gồm giáo viên trường phổ thông (các Bài giảng e-learning bồi dưỡng, học liệu điện tử phục vụ quá trình dạy học …), viên chức các đơn vị sự nghiệp (ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ …) và học sinh phổ thông (bài học online, tài liệu học tập …).
  1. Bước đầu triển khai thử nghiệm tại Trường Đại học Thủ đô Hà Nội

2.1. Cơ sở và mục tiêu

– Học liệu là phương tiện dạy học thực sự cần thiết trong quá trình dạy học của tất cả các cơ sở giáo dục. Việc xây dựng được một hệ thống học liệu phù hợp, đầy đủ sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.

– Hiện nay, nguồn học liệu của Nhà trường còn thiếu và hạn chế, đặc biệt là học liệu điện tử, chưa đáp ứng được yêu cầu.

– Trường Đại học Thủ đô Hà Nội có nguồn “khách hàng” lớn và đa dạng, đào tạo sinh viên ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau và xu thế phát triển mạnh trong tương lai gần.

– Hiện nay, trong quá trình triển khai hoạt động của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, học liệu do nhà trường xây dựng được sử dụng rất ít, chưa đầy đủ, hạn chế và hiệu quả thấp.

– Xu thế phát triển của giáo dục đào tạo trong những năm tới là đa dạng hóa các hình thức dạy học, tạo điều kiện để nhiều đối tượng có điều kiện để tham gia học tập, tăng cường công tác tự đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, kết hợp dạy học truyền thống và e-learning.

Với điều kiện hiện nay của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trong bối cảnh xã hội như vậy, việc tập trung xây dựng và triển khai hệ thống học liệu là thực sự cần thiết, góp phần quan trọng cho sự phát triển của Nhà trường.

Mục tiêu của việc triển khai thử nghiệm là:

– Xác định được yêu cầu, nhiệm vụ và kế hoạch triển khai việc xây dựng và khai thác hệ thống học liệu Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

– Bước đầu xây dựng học liệu phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

– Xác định lộ trình phát triển học liệu, thương mại hóa các sản phẩm.

– Xác lập được mô hình phù hợp, làm cơ sở cho việc đào tạo e-learning của Nhà trường.

2.2. Xây dựng quy trình thử nghiệm

Trong lần thử nghiệm này, Nhà trường lựa chọn mô hình đào tạo kết hợp giữa online và giảng dạy trực tiếp, các bài giảng có nội dung gắn kết, phối hợp chặt chẽ với nhau, đảm bảo tính liên thông về nội dung chuyên môn. Quy trình triển khai thử nghiệm một khóa học được thực hiện theo các bước và quy trình cụ thể sau:

  • Bước 1: Thiết kế chương trình đào tạo

Các đơn vị liên quan (phòng Đào tạo, Khoa đào tạo, giảng viên) cùng thảo luận để xác định, lựa chọn học phần và xây dựng nội dung của chương trình đào tạo chi tiết theo hướng kết hợp 30% bài giảng e-learning, 70% bài giảng trực tiếp trên lớp. Xác định các yếu tố cần thiết như tài liệu, thời gian học, thời khóa biểu của học phần.

  • Bước 2: Xây dựng bài giảng điện tử

Trung tâm TN-TN-TH cùng với Khoa đào tạo và giảng viên xác định các bài giảng điện tử, chuẩn bị tài liệu liên quan và tiến hành ghi hình các bài giảng, trong quá trình này chú ý đến yếu tố đặc thù nhằm phát huy thế mạnh của multimedia trong việc sản xuất bài giảng.

  • Bước 3: Xuất bản bài giảng lên internet

Lựa chọn công nghệ phù hợp để triển khai thử nghiệm, trong đó phải đảm bảo một số yêu cầu cơ bản là: dễ thực hiện, có tính phổ biến cao, tính tương tác tốt, dễ tiếp cận, hiện đại, chạy được trên nhiều nền tảng internet, ưu tiên các ứng dụng miễn phí, có sẵn.

  • Bước 4: Quản lí lớp học online

Người quản lí lớp học cấp quyền truy cập cho các sinh viên trong lớp (tương ứng với số lượng sinh viên được phân vào lớp học thông thường – kể cả các lớp học tín chỉ). Người quản lí cùng với giảng viên hoặc trợ giảng hỗ trợ quá trình học tập của sinh viên thông qua trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc ngay trên môi trường online. Người quản lí có thể theo dõi chuyên cần của sinh viên thông qua tương tác trực tiếp trên internet.

  • Bước 5: Tổng kết môn học

Kết thúc môn học, quản lí lớp báo cáo chuyên cần hoặc kết quả kiểm tra, học tập của sinh viên; tổng kết, đánh giá chất lượng bài giảng; thu thập thông tin từ sinh viên để điều chỉnh cho phù hợp, lập kế hoạch chỉnh sửa bài giảng nếu có.

2.3. Triển khai thực hiện

  1. a) Chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị:

– Nhà trường thành lập Ban chỉ đạo để triển khai công việc, xây dựng đề án, phân công và xây dựng kế hoạch cụ thể.

+ Lựa chọn hình thức và các học phần để thử nghiệm.

+ Xây dựng kế hoạch giảng dạy, kết hợp giảng dạy online và offline. Chúng tôi chọn 02 học phần thuộc các bộ môn chung để thử nghiệm, bao gồm:

  • Học phần “Giáo dục học”, bao gồm 45 tiết, trong đó có 15 tiết được xây dựng và triển khai theo hình thức e-learning, 30 tiết học thông thường.
  • Học phần “Nguyên lí của chủ nghĩa Mác-Lê nin 2”, gồm 15 tiết dạy theo hình thức e-learning và 30 tiết học thông thường.

Kế hoạch giảng dạy được bố trí xen kẽ giữa e-learning và thông thường (giảng dạy trên lớp), trong đó chú ý xây dựng để sao cho các bài giảng online có sự ràng buộc, liên thông kiến thức với các bài giảng trên lớp. Đồng thời trong quá trình sinh viên học online, giảng viên theo dõi, hỗ trợ và kiểm tra tiến độ học tập của sinh viên, có thể giao các bài tập nhỏ, cùng tương tác với sinh viên trên môi trường internet.

+ Lựa chọn đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, chuyên môn cao, tổ chức thiết kế và xây dựng bài giảng.

+ Cử cán bộ, chuyên viên đi học bồi dưỡng nâng cao năng lực, kĩ năng về sử dụng thiết bị, phần mềm sản xuát bài giảng.

– Tận dụng tối đa trang thiết bị hiện có, cải tạo hiện trạng và đầu tư tối thiểu các thiết bị để xây dựng bài giảng. Một số hạng mục đầu tư gồm có:

+ Phòng ghi hình bài giảng: Cải tạo từ phòng thu âm có sẵn, rộng 15m2, đầu tư lắp đặt thêm một số thiết bị như mút cách âm, ánh sáng, bảng, phông, key hình, bàn, ghế …

+ Mua sắm một số thiết bị công nghệ: máy quay phim, thiết bị thu âm, máy vi tính cấu hình cao, máy nhắc chữ …

  1. b) Lựa chọn phần mềm, công nghệ

Hiện nay có nhiều phần mềm, ứng dụng có thể sử dụng để triển khai e-learning. Trong giai đoạn thử nghiệm, Nhà trường sử dụng các ứng dụng sẵn có, miễn phí của Google, bao gồm google drive, youtube, gmail, google form, google classroom.

Giao diện một khoá học trên ứng dụng Classroom

Sử dụng ứng dụng Classroom để quản lí lớp học: Phần mềm được lựa chọn để quản lí lớp học google classroom, đây là phần mềm có thể tích hợp với nhiều ứng dụng khác nhau, có thể tạo và quản lí các lớp học online, cung cấp bài giảng điện tử và nhiều loại hình tài liệu khác, giảng viên có thể trao đổi, thảo luận, giao bài tập và kiểm tra kết quả học tập của sinh viên.

Ứng dụng google classroom được cung cấp miễn phí cho trường đại học với dung lượng không giới hạn (trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã được Google cấp), có cả phiên bản desktop và app mobile, do đó sinh viên có thể dễ dàng học tập mọi lúc, mọi nơi. Trên phiên bản mobile còn có thể hiển thị ngay lập tức các thông báo mới (bài học, bài tập…) từ người quản lí lớp học hay giảng viên.

 

 

Kênh YouTube E-learning HNMU

Đăng tải bài giảng video lên YouTube: Các bài giảng sau khi được hoàn thiện được đăng tải lên kênh YouTube đã đăng kí. Đây là kho tư liệu để chứa bài giảng để xây dựng khoá học tại Classroom. Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng các ứng dụng khác như Drive để chứa tài liệu học tập, google form để tạo câu hỏi bài tập, google photo để chứa các tập ảnh.

  

  

 

Hình ảnh của một số bài học E-learning đã xây dựng

  1. Hiệu quả kinh tế – xã hội của việc triển khai E-learning

Về mặt xã hội: Việc xây dựng được một hệ thống học liệu phù hợp sẽ giúp mở rộng các loại hình đào tạo của Nhà trường, thu hút thêm được người học, giảm chi phí chi cho hoạt động đào tạo. Trong đó, việc xây dựng học liệu tiến tới triển khai hệ thống e-learning của Nhà trường sẽ mang lại một số lợi ích chính sau đây:

+ Góp phần tích cực trong việc phát triển thương hiệu Nhà trường.

+ Người học có thể tự điều chỉnh nhịp điệu khóa học cho mình, nghĩa là có thể học từ từ hay nhanh do thời gian mình tự sắp xếp hay do khả năng tiếp thu kiến thức. Bản chất của Internet, nền tảng của công nghệ cho việc học trực tuyến là linh hoạt. Từ khi đăng ký học đến lúc hoàn tất bạn có thể học theo thời gian biểu mình định ra. Không bị gò bó bởi thời gian và không gian lớp học dù bạn vẫn đang ở trong lớp học “ảo”.

+ Giáo trình và tài liệu của các khóa học trực tuyến là có tính đồng bộ cao vì các hầu hết học trình cùng tài liệu được soạn thảo và đưa vào chương trình dạy được xem xét và đưa lên trang trực tuyến từ ban đầu.

+ Dịch vụ học trực tuyến dựa trên công nghệ là Internet, vì vậy việc tiếp cận rất dễ dàng. Người học có thể tiếp cận và học bất cứ nơi đâu. Đây cũng chính là tính thuận tiện của việc học trực tuyến.

Về mặt kinh tế: với sự phát triển của Internet, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều có lợi trong việc xây dựng chính sách giá cho khách hàng của mình, và dịch vụ e-learning không phải là ngoại lệ. Theo đó, chi phí khóa học sẽ được giảm đến mức đáng kể. Thống kê kinh tế từ các môn học thuộc khối kiến thức chung tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, năm học 2016 – 2017, tổng số giờ dạy của khối kiến thức chung là 12.500 tiết/năm học (số liệu của phòng Đào tạo). Nếu tiến hành xây dựng theo tỉ lệ 30% bài giảng e-learning, phần còn lại là dạy trực tiếp, thảo luận, kiểm tra trên lớp thì số giờ giảm khoảng 4.200 tiết, tương đương 14 giảng viên giảng dạy, số tiền tiết kiệm được tính theo kinh phí thừa giờ là 4.200 x 65.000 đồng = 273.000.000 (hai trăm bảy ba triệu đồng). Số tiền này đủ kinh phí để xây dựng các bài giảng online, như vậy kinh phí chi để xây dựng bài giảng chỉ một năm học là đủ, phần thu từ các năm học sau đó chỉ để duy trì, vận hành các lớp học online.

  1. Lời kết

Đào tạo theo hình thức e-learning là một xu thế tất yếu hiện nay, do vậy các trường đại học, cơ sở giáo dục nếu không triển khai chắc chắn sẽ bị lạc hậu, bỏ lại phía sau trong bối cảnh phát triển chung của xã hội. Mặc dù vậy, các đơn vị giáo dục cũng cần phải lựa chọn cho mình cách thức triển khai phù hợp thì mới có thể đạt kết quả mong muốn.

Theo chúng tôi, trong giai đoạn này, e-learning nên triển khai theo hướng sau đây:

– Phối hợp chặt chẽ, hợp lí giữa giảng dạy online và truyền thống (offline – trên lớp), có như vậy mới phát huy hết được những mặt mạnh đã trở thành truyền thống của giảng dạy trên lớp và sự thuận lợi, tiện dụng, hiện đại của công nghệ hiện nay mang lại.

– Kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo cũng cần được điều chỉnh, thiết kế lại, cần đầu tư để xây dựng nội dung các khoá học, các học phần có mối liên hệ chặt chẽ giữa online và offline để người học buộc phải tham gia đầy đủ thì mới lĩnh hội được kiến thức đầy đủ, sâu sắc nhất.

– Nhà trường, các đơn vị đào tạo và bản thân giảng viên cần xây dựng được tài nguyên giảng dạy phong phú, chất lượng. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống học liệu có chất lượng tốt, theo quan điểm của chúng tôi, sự thành công của một khoá học phục thuộc rất lớn vào chất lượng của học liệu.

– Cuối cùng, nhưng cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất đó là đầu tư vào con người. Bên cạnh cơ sở vật chất thì việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên, chuyên viên, kĩ thuật đáp ứng được yêu cầu của dạy học online là yếu tố then chốt.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quyết định số 117/QĐ-TTg kí ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
  2. Thông tư số 21/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GD&ĐT về việc Quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bồi dưỡng, tập huấn qua mạng Internet cho giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý giáo dục.
  3. Kế hoạch số 345/KH-BGDĐT ngày 23/5/2017 của Bộ GD&ĐT về thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”.
  4. Quyết định số 2402/QĐ-TTg, ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thành lập Trường Đại học Thủ đô Hà Nội;
  5. Quyết định số 7106/QĐ-UBND, ngày 26/12/2016 của UBND Thành phố Hà Nội về việc sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế kĩ thuật đa ngành Sóc Sơn vào Trường Đại học Thủ đô Hà Nội và xác định lại vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội;
  6. hnmu.edu.vn
  7. Kênh youtube của Trường ĐH Thủ đô Hà Nội

http://www.youtube.com/channel/UCh1mXtt3PiNE0OKHTffh_bw

Bình Luận

Scroll