Thực trạng năng lực của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế đáp ứng thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn; các đề xuất kiến nghị để nâng cao năng lực của Trung tâm trong việc thực hiện vai trò này.

                  ĐẠI HỌC HUẾ                           CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TT GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN                           Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

      

             Thừa Thiên Huế, ngày      tháng 4 năm 2019

 

THAM LUẬN

Thực trạng năng lực của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế đáp ứng thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn; các đề xuất kiến nghị để nâng cao năng lực của Trung tâm trong việc thực hiện vai trò này.

 

  1. Đặt vấn đề

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục đại học, rất cần nguồn học liệu trên cả phương diện số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên, các tài nguyên giáo dục mở (OER) chưa đáp ứng tốt nhu cầu về học liệu của giảng viên và sinh viên. Việc xây dựng nguồn học liệu cho tài nguyên này là cần thiết nhưng không thực sự dễ dàng đối với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế.

  1. Thực trạng năng lực của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế trong việc thực hiện xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở

Về nhân lực

Các giảng viên, nhà nghiên cứu và các chuyên gia sẽ là những người tạo ra nội dung cho OER. Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế không có đội ngũ giảng viên cơ hữu mà chỉ được sử dụng chung nguồn giảng viên cơ hữu của Đại học Huế. Chính vì vậy, việc xây dựng nội dung cho OER gặp nhiều khó khăn, Trung tâm không chủ động như các Trường Đại học.

Về công nghệ và tiêu chuẩn công nghệ

OER ra đời và phát triển được nhờ công nghệ và phụ thuộc vào công nghệ, đặc biệt là Internet – công cụ làm nổi bật lợi thế và chuyển tải tốt giá trị của OER, đó là tri thức cho tất cả mọi người và dễ dàng được chia sẻ và khai thác. Công nghệ giúp tạo lập, lưu trữ và chia sẻ nội dung của OER. Tuy nhiên, đây là công nghệ mở để cộng đồng có thể cùng đóng góp và phát triển. Một tài liệu OER phải được định dạng mở để có thể sửa đổi, cập nhật nhằm tạo ra những bản phái sinh, cũng như có thể sử dụng trên các nền tảng công nghệ khác nhau. Việc tạo ra các chuẩn công nghệ mở cho OER là điều cần thiết để nguồn học liệu này có thể tiếp cận đến người dùng với điều kiện và công nghệ khác nhau. Hiện tại, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế chưa đáp ứng được công nghệ này.

Về vấn đề kinh phí

Yếu tố tài chính là một trong những yếu tố có ảnh hưởng đến việc phát triển OER. Kinh phí được sử dụng để trả thù lao cho việc biên soạn OER, hệ thống công nghệ và tiêu chuẩn liên quan phân phối là không nhỏ. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa cho phép tuyển sinh lại 2 ngành Sư phạm Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học, nên số lượng tuyển sinh hằng năm của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế chỉ phụ thuộc vào các ngành ngoài Sư phạm, rất ít ỏi. Vì vậy, Trung tâm không đủ kinh phí cho việc đầu tư dự án OER.

Vấn đề về vai trò của học liệu

Thực tế cho thấy, vai trò của học liệu trong Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế chưa thực sự được chú trọng khi mà thư viện không được sử dụng tối đa, giảng viên và sinh viên ít vào thư viện, sinh viên chỉ quan tâm đến đúng những cuốn giáo trình mà họ được hướng dẫn học tập, giải đáp thắc mắc trong kỳ học của mình.

Vấn đề về vai trò của thư viện

Với chức năng cơ bản của mình là cung cấp học liệu cho hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu, thư viện sẽ là nơi thu thập, lưu trữ, phân phối và chia sẻ nguồn OER của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế. Với nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng của mình, Trung tâm chưa thể xây dựng nguồn học liệu, kết nối và cung cấp nguồn học liệu cho cộng đồng sử dụng chung. Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên trong thư viện hiện nay chưa thực sự tốt, không đủ tự tin để tham gia OER.

  1. Đề xuất

– Việc phát triển OER tại các Trung tâm như Trung tâm Giáo dục Thường xuyên – Đại học Huế là không phù hợp, vì vậy nên tập trung vào phát triển OER tại các Trường Đại học trực thuộc Đại học Huế.

– Tạo lập một hệ sinh thái OER cho các trường đại học bao gồm: cộng đồng phát triển và sử dụng, nguồn học liệu/ nội dung mở, các dịch vụ và sản phẩm, các nhà/ kênh phân phối thông tin. Hệ sinh thái này là sự cộng sinh giữa các bên cung cấp nội dung (các trường đại học, giảng viên), bên cung cấp giải pháp công nghệ (các công ty kinh doanh công nghệ mở) và người sử dụng.

– Cần có một cách nhìn đổi mới trong tiếp cận, đổi mới phương pháp giảng dạy, đặc biệt là có chính sách cụ thể trong việc xem học liệu là công cụ không thể thiếu trong giảng dạy và học tập. Chấm dứt việc một môn học chỉ vài tài liệu tham khảo không được cập nhật, chấm dứt xu hướng sinh viên lên mạng sử dụng các nguồn thông tin không được kiểm chứng để làm bài luận, khoá luận.

 

TT GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN – ĐẠI HỌC HUẾ

Scroll