Thực trạng và giải pháp xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu dạy học tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP XÂY DỰNG

CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU DẠY HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC PHẠM VĂN ĐỒNG

                                                                             Bùi Văn Thanh(1)

Tóm tắt

Hiện nay, tài nguyên giáo dục mở được xem như một giải pháp hữu hiệu giúp các trường đại học khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn tài liệu có chất lượng để đáp ứng yêu cầu dạy học. Trên cơ sở phân tích khái niệm và các đặc điểm cũng như vai trò của tài nguyên giáo dục mở, bài viết đánh giá thực trạng và khả năng tham gia xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở của Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Từ đó, đề xuất các giải pháp chủ yếu để xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở của trường. Mục tiêu của bài viết là chỉ ra những mặt mạnh và hạn chế của trường để từ đó xây dựng lộ trình tham gia tài nguyên giáo dục mở một cách hiệu quả và bền vững.

 

  1. Đặt vấn đề

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong những năm gần đây, giáo dục đại học của Việt Nam đã có những chuyển biến mạnh mẽ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Trong các nhân tố thúc đẩy giáo dục đại học phát triển cần phải kể đến việc đổi mới toàn diện về phương pháp dạy và học, cách quản lý và vận hành chương trình đào tạo cũng như cơ sở vật chất phục vụ việc giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là đầu tư xây dựng các nguồn tài liệu học tập để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của giảng viên và sinh viên.

Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng các thư viện đại học Việt Nam chưa đáp ứng tốt nhu cầu về học liệu của giảng viên, sinh viên và nhà nghiên cứu [1]. Việc thiếu hụt các tài nguyên học tập đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Trong điều kiện không đủ kinh phí để mua các nguồn học liệu cần thiết, việc tìm kiếm các nguồn tài liệu miễn phí còn hạn chế thì việc các trường đại học Việt Nam liên kết xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này.

Trường Đại học Phạm Văn Đồng là một trường đại học địa phương, cơ sở vật chất, đặc biệt là nguồn tài liệu phục vụ yêu cầu dạy học còn nhiều hạn chế. Vì thế, tham gia cùng với các trường đại học khác để xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở là giải pháp khả thi để khắc phục tình trạng trên. Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng tài nguyên học tập tại trường, chúng tôi đề xuất các giải pháp để xây dựng hệ thống tài nguyên giáo dục mở tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng, đáp ứng việc đào tạo theo học chế tín chỉ, nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy.

  1. Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở      

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), tài nguyên giáo dục mở (TNGDM) – Open Educational Resources (OER) có thể được coi là bất cứ tài liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi/miền công cộng (public domain) hoặc được phát hành theo một giấy phép mở, bất cứ ai cũng có thể sao chép, sử dụng, sửa đổi và chia sẻ một cách hợp pháp các tài liệu này. TNGDM có thể là giáo trình, khung chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài luận, các bài kiểm tra, các kết quả dự án, kết quả nghiên cứu, các video và hình ảnh động (UNESCO & COL, 2015) [2].

Nói một cách dễ hiểu TNGDM là thuật ngữ dùng để chỉ những tài liệu giảng dạy, học tập và nghiên cứu được lưu giữ ở bất kỳ phương tiện nào, dưới định dạng số hoặc in ấn, được cung cấp mở và miễn phí, để nhà giáo và người học sử dụng, tái sử dụng trong giảng dạy, nghiên cứu và học tập, không đi kèm nhu cầu phải trả tiền phí bản quyền hoặc phí giấy phép. Nhờ vậy tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận miễn phí, mọi lúc, mọi nơi.

Với các đặc điểm như vậy, TNGDM đem lại lợi ích to lớn cho các trường đại học và toàn thể công đồng trên các phương diện: Mở ra cơ hội học tập cho tất cả mọi người trên cơ sở được tiếp cận nguồn tài liệu miễn phí và đảm bảo chất lượng; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học; giảm chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư mua sắm giáo trình, tài liệu học tập…của các trường đại học; qua việc sử dụng và tái sử dụng tài liệu, tri thức luôn được cập nhật và phát triển; thúc đẩy sự minh bạch trong học thuật (thông qua các học liệu được công khai, có thể kiểm chứng được kết quả nghiên cứu của giảng viên và sinh viên)…

Muốn tạo ra một nguồn tài liệu phong phú và dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người, TNGDM phải được phát triển dựa trên nền tảng của một cộng đồng xây dựng và sử dụng. Bản chất của TNGDM là chia sẻ và khai thác mở, do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các trường đại học trong việc xây dựng các tài liệu học tập mở. Một trường đại học không thể xây dựng được OER trừ trường hợp họ có nguồn kinh phí rất lớn, nhưng cái họ tạo ra cũng chỉ phục vụ cho các chương trình đào tạo mà họ cung cấp. Sự tham gia của các trường đại học sẽ tạo nên một cộng đồng có chung một mục đích và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Mỗi một trường chỉ cần phát triển một phần và đóng góp vào kho tài nguyên chung, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nội dung đa dạng cho TNGDM [1].

Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, việc xây dựng OER chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu. Cộng đồng OER còn rất nhỏ lẻ. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có những chủ trương, chính sách phù hợp từ phía các nhà quản lý, cũng như chưa có một cơ chế hợp tác phù hợp gữa các trường đại học. Bên cạnh đó, nhận thức của cán bộ, giảng viên các trường về vai trò, tầm quan trọng, cơ hội và thách thức của OER còn mơ hồ. Năm 2005, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Quỹ giáo dục Việt Nam-Hoa Kỳ (VEF) phối hợp với Công ty phần mềm và truyền thông VASC triển khai dự án Học liệu mở Việt Nam (Vietnam OpenCourseWare, VOCW). Dự án này đã thành công trong việc đặt nền móng ban đầu cho hoạt động học liệu mở ở nước ta. Cho đến nay, đã có rất nhiều hội thảo được tổ chức, nhiều nghiên cứu, để xuất được triển khai để góp phần phát triển OER tại Việt Nam.

  1. Thực trạng và khả năng xây dựng OER tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng

3.1. Nguồn lực thông tin/tài liệu tại Trung tâm Thông tin – Tư liệu Trường Đại học Phạm Văn Đồng

TTTT TL Trường Đại học Phạm Văn Đồng được thành lập theo Quyết định 25/QĐ-ĐHPVĐ ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng với diện tích 1.330m2. Nguồn lực thông tin hiện tại của Trung tâm bao gồm:

* Tài liệu truyền thống:

– Hiện nay, Trung tâm có 18.130 tên sách/ 156.098 cuốn sách (sách bằng tiếng Việt có 16.220 đầu/152.747 cuốn, sách bằng tiếng nước ngoài 1.910 đầu/3.351 cuốn) đáp ứng cho các ngành đào tạo có cấp bằng của trường;

– Có 44 tên báo, tạp chí phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy, học tập như tạp chí Cộng sản, tạp chí Nghiên cứu giáo dục, tạp chí Nghiên cứu văn học, tạp chí Ngôn ngữ, tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Phạm Văn Đồng…

– Luận án, luận văn, khóa luận tốt nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, sinh viên, học viên.

* Tài liệu số:

– Trên 2000 cơ sở dữ liệu toàn văn có nội dung về các lĩnh vực khoa học phù hợp với các ngành đào tạo của nhà trường.

– Cơ sở dữ liệu thư mục sách: 35.223 biểu ghi.

– Tài liệu điện tử: Hệ thống khung chương trình đào tạo, đề cương môn học của 11 ngành đào tạo bậc đại học, 21 ngành đào tạo bậc cao đẳng;  127 bài giảng các môn học; 8 ngân hàng đề thi các môn chung; 150 luận văn, khóa luận…

3.2. Nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị kỹ thuật

* Nguồn nhân lực

Hiện Trung tâm có 6 cán bộ tốt nghiệp các chuyên ngành khác nhau, cụ thể là:

– Chuyên ngành Thông tin – Thư viện: 4 cán bộ (trong đó, thạc sĩ: 01 cán bộ, cử nhân: 03 cán bộ);

– Các chuyên ngành khác: 02 cán bộ (có trình độ cử nhân).

* Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và trang thiết bị kỹ thuật

– Thư viện được trang bị hệ thống máy chủ đảm bảo cho kết nối liên thông và quản trị hệ thống mạng máy tính trong toàn trường.

– Trung tâm có 2 phòng đọc được trang bị 52 máy tính nối mạng Internet để phục vụ cho việc tra tìm và khai thác thông tin của bạn đọc.

– Công tác nghiệp vụ, phục vụ của Trung tâm đã được tin học hóa. Phần mềm quản lý Thư viện Ilib 4.0 đã được đưa vào ứng dụng với phương tiện tự động hóa như thống kê số lượng sách bạn đọc mượn hàng năm, thống kê loại sách bạn đọc hay mượn nhiều nhất, tra cứu tài liệu bằng máy vi tính, thủ tục mượn trả quét mã vạch, có văn bản hướng dẫn cách sử dụng hệ thống tra cứu tìm tài liệu.

– Trung tâm đã được trang bị các phương tiện như máy scaner, máy ảnh, máy photocopy, máy in màu,…

3.3. Những thuận lợi và khó khăn trong công tác xây dựng và phát triển OER

3.3.1. Thuận lợi

– Nhà trường và Trung tâm Thông tin – Tư liệu đều nhận thức và đánh giá đúng về tầm quan trọng của học liệu mở đối với quá trình phát triển và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học hiện nay.

– Thư viện đã ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ (phần mềm, hệ thống mạng, hệ thống máy tính,..), các trang thiết bị máy móc hiện đại,… Đây là phương tiện căn bản để thư viện có khả năng thực hiện quá trình xây dựng và phát triển học liệu mở.

– Nguồn lực tài liệu truyền thống hiên nay của trường tương đối dồi dào, là cơ sở để số hóa, tạo thành nguồn tài liệu mở để đáp ứng yêu cầu tham gia OER.

– Đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, tâm huyết với nghề, ham học hỏi và năng động tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, nhà trường có đội ngũ giảng viên trẻ, có năng lực, trình độ, sẵn sàng tiếp cận và tham gia các dự án liên quan đến học liệu mở.

– Thư viện đã áp dụng các chuẩn nghiệp vụ tiên tiến (DDC, AACR2, MACR21, DUBLINCORE,…), tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển, chia sẻ nguồn học liệu mở.

3.3.2. Khó khăn

* Khách quan

– Cơ quan quản lý nhà nước chưa xây dựng, ban hành văn bản mang tính pháp lý làm căn cứ để phát triển học liệu mở trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo nghiên cứu của TS. Đỗ Văn Hùng (Trường Đại học Khoa hoc xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội) [2], hiện tại các chính sách cho TNGDM từ Chính phủ (cấp bộ) đến nhà trường và thư viện chưa được rõ ràng. Nghiên cứu chỉ ra hai nguyên nhân chính liên quan đến và chính sách dẫn đến TNGDM chưa phát triển trong các trường đại học, đó là: (1) ở cấp cơ sở, nhận thức về lợi ích của TNGDM trong các trường đại học còn thấp và các trường chưa có chính sách cụ thể để phát triển nguồn tài nguyên này; (2) ở cấp quốc gia, thiếu sự chỉ đạo của Nhà nước trong việc đưa ra chính sách chung để hướng dẫn và chỉ đạo các trường đại học phát triển TNGDM.

– Các cơ quan chức năng và các bộ, ngành liên quan chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có sự thống nhất và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển học liệu mở phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập.

* Chủ quan

– Nguồn học liệu chưa đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập của giảng viên và sinh viên. Đặc biệt là hệ thống các giáo trình, tài liệu tiên tiến, các chương trình đào tạo của các trường đại học lớn trong nước và trên thế giới. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người sử dụng đối với cơ sở vật chất của trường năm 2018 cho thấy chỉ có 56% người học hài lòng với nguồn tài liệu hiện có của Trung tâm Thông tin – Tư liệu.

– Kinh phí nhà trường phân bổ hàng năm cho Trung tâm rất hạn chế. Hiện nay, mỗi năm Trường Đại học Phạm Văn Đồng phân bổ cho Trung tâm khoảng 30 triệu đồng để mua sắm tài liệu. Nguồn kinh phí này chưa đáp ứng được yêu cầu mua sắm tài liệu để phục vụ cho các ngành đào tạo của trường. Đặc biệt là trong bối cảnh nhà trường đang đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hàng năm đều có những ngành đào tạo mới được mở ra để đáp ứng nhu cầu người học và phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

– Nguồn tài liệu số hiện nay của nhà trường còn hạn chế, việc liên kết, hợp tác để xây dựng, phát triển nguồn tài liệu này chưa được chú trọng. Hiện nay nhà trường mới chỉ hợp tác sử dụng chung nguồn tài liệu số của Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên việc sử dụng còn rất khiêm tốn.

– Việc xây dựng, phát triển nguồn tài liệu nội sinh (giáo trình, bài giảng, đề tài nghiên cứu khoa học…) còn hạn chế. Mặc dù nhà trường đã ban hành các cơ chế,chính sách để khuyến khích việc biên soạn giáo trình, bài giảng phục vụ yêu cầu đào tạo nhưng cho đến nay việc triển khai công tác này còn chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do trường còn thiếu các chuyên gia có trình độ cao, có khả năng chủ trì biên soạn các tài liệu, giáo trình có chất lượng. Bên cạnh đó, là một trường địa phương, Trường Đại học Phạm Văn Đồng gặp nhiều khó khăn trong việc hợp tác nghiên cứu khoa học, xuất bản các giáo trình, công trình nghiên cứu với các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học lớn trong cả nước.

– Đội ngũ cán bộ của Trung tâm Thông tin tư liệu còn ít, thiếu các cá nhân có kiến thức, kinh nghiệm để tham gia các hoạt động liên quan đến OER.

– Nhận thức và kinh nghiệm của lãnh đạo trường và đội ngũ giảng viên về OER còn hạn chế. Khảo sát gần đây cho thấy có 60% cán bộ, giảng viên biết đến sự tồn tại của TNGDM, tuy nhiên chỉ có 35% người được hỏi có hiểu biết cụ thể về khái niệm, các đặc trung cũng như lợi ích của nguồn tài nguyên này.

– Hiên nay nhà trường cũng như Trung tâm Thông tin – Tư liệu chưa xây dựng được chiến lược, kế hoạch phát triển học liệu mở theo từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể.

– Trang thiết bị sử dụng cho việc tự động hóa hoạt động thông tin – thư viện nói chung và công tác phát triển học liệu số nói riêng chưa đồng bộ, hiệu suất làm việc thấp, chưa có cổng từ, thanh từ, máy scanner hiện đại,…

Sau khi khảo sát, phân tích thực trạng của nhà trường, mặc dù còn nhiều khó khăn, trở ngại nhưng chúng tôi cho rằng Trường Đại học Phạm Văn Đồng hoàn toàn có khả năng tham gia vào hệ thống TNGD mở của các trường đại học trên cả nước, trước mắt là liên kết với các trường có các ngành nghề đào tạo chung để cùng hợp tác, chia sẻ lợi ích về nguồn tài nguyên này.

  1. Một số giải pháp để Trường Đại học Phạm Văn Đồng có thể tham gia xây dựng và phát triển TNGDM

4.1. Xây dựng các cơ chế, chính sách để xây dựng TNGDM

Trong thời gian qua đã có nhiều hội thảo liên quan đến TNGDM ddwwocj tổ chức, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp giải quyết vấn đề này, tuy nhiên về mặt quản lý hành chính thì đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của Nhà nước ban hành theo hướng giấy phép bản quyền mở. Do vậy, ở tầm vĩ mô, các cơ quan liên quan như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cần có sự phối hợp để xây dựng một chính sách quốc gia về OER. Trên cơ sở đó, các trường đại học, các doanh nghiệp và cá nhân có cơ sở pháp lý để cùng phối hợp xây dựng và phát triển nguồn học liệu mở.

Một trong những khó khăn lớn nhất của việc quá trình sản xuất tài nguyên giáo dục mở đó là vấn đề pháp lý trong quyền sở hữu trí tuệ. Vấn đề này trên thế giới đã có nhiều giải pháp nhưng đối với nước ta đang còn là một thách thức lớn và trở thành rào cản phát triển phong trào sản xuất tài nguyên giáo dục mở. Vì vậy, Nhà nước cần có những quy định pháp lý phù hợp liên quan đến giấy phép xuất bản Creative Commons để có một văn bản pháp lý chính quy tạo nền tảng và hành lang pháp lý cho tài nguyên giáo dục mở phát triển một cách bền vững.

Sau khi có các cơ chế, chính sách từ cấp vĩ mô, các trường đại học cần xây dựng những chính sách cụ thể của riêng mình để hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ giảng viên, sinh viên tham gia tích cực để phát triển TNGDM. Đối với Trường Đại học Phạm Văn Đồng, khi đã quyết định tham gia các dự án TNGDM, nhà trường cần phải cụ thể hóa chủ trương này trong chiến lược phát triển của nhà trường, của Trung tâm Thông tin – Tư liệu, đồng thời xây dựng kế hoạch hành động ngắn hạn và dài hạn.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần tạo lập môi trường tự do học thuật, khuyến  khích việc đầu tư biên soạn giáo trình, bài giảng và các tài liệu học tập khác, từ đó tạo động lực để giảng viên, nhà nghiên cứu, cán bộ thư viện thúc đẩy phát triển và chia sẻ các nguồn học liệu mở.

Nhà trường cũng cần xây dựng cơ chế phối hợp, liên kết để  cùng xây dựng, chia sẻ, trao đổi nguồn học liệu mở với thư viện các trường đại học lớn có cùng chuyên ngành đào tạo như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội,….Lãnh đạo trường cần chủ động thiết lập các mối quan hệ nhằm trao đổi, chia sẻ nguồn học liệu mở trên cơ sở các bên cùng có lợi góp phần làm giàu kho tài nguyên chung, đáp ứng yêu cầu đào tạo và phát triển kinh tế – xã hội.

4.2. Nhà trường cần tập trung đầu tư về mọi mặt để phát triển nguồn TNGDM

Với  ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của TNGDM đối với các hoạt động đào tạo và nghiên cứu của một trường đại học, Trường Đại học Phạm Văn Đồng cần  có sự đầu tư đúng mức về tài chính, công nghệ, nhân lực để thực hiện công cuộc xây dựng, phát triển, tổ chức, quản lý và phục vụ nguồn học liệu mở.

Về tài chính, cần bố trí nguồn kinh phí ổn định để thực hiện việc số hóa tài liệu, mua sắm phương tiện, thiết bị cần thiết để sản xuất tài liệu và để kết nối với nguồn tài nguyên của các cơ sở đào tạo khác. Ngoài ra còn có kinh phí để hỗ trợ, đông viên khuyến khích việc sáng tạo, chia sẻ nguồn tài liệu.

Về nhân lực, cần tạo bố trí nhân lực có trình độ, kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển TNGDM. Tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng xây dựng và phát triển học liệu mở. Giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và cán bộ thư viện sẽ là những người trực tiếp tạo lập và chia sẻ TNGDM. Do đó, đội ngũ này cần được tập huấn, bồi dưỡng các kỹ năng cần thiết về công nghệ, kỹ thuật để xây dựng TNGDM.

Để thực hiện giải pháp này, việc xây dựng đội ngũ sử dụng và sản xuất TNGDM bằng con đường đào tạo trực tuyến được xem là một cách tiếp cận nhanh nhất để đào tạo giáo viên tiếp thu được công nghệ từ đó tiếp tục sản xuất ra TNGDM và chính điều này sẽ là giải pháp khắc phục việc thiếu chuyên gia đào tạo về TNGDM trong thời điểm hiện nay.

4.3. Trung tâm Thông tin – Tư liệu đóng vai trong nòng cốt trong việc xây dựng và phát triển TNGDM

Trung tâm Thông tin – Tư liệu của Trường Đại học Phạm Văn Đồng là cơ quan chịu trách nhiệm chính, làm đầu mối trong việc đề xuất cơ chế, tổ chức xây dựng tài liệu, bồi dưỡng kĩ năng… Vì thế, trước hết, lãnh đạo và nhân viên Trung tâm cần nhận thức, đánh giá đúng về tầm quan trọng của học liệu mở đối với việc phát triển kinh tế – xã hội nói chung và nâng cao chất lượng đào tạo đại học nói riêng, từ đó tham mưu để Nhà trường ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách để xây dựng, phát triển nguồn học liệu mở đáp ứng với yêu cầu thực tiễn.

Để xây dựng nguồn học liệu mở, mỗi trường đại học phải tạo lập cơ sở dữ liệu riêng của mình để đóng góp vào kho dữ liệu chung. Để nhanh chóng khắc phục tình trang thiếu nguồn tài liệu có thể chia sẻ như hiện nay, Trung tâm Thông tin – tư liệu của Trường cần xây dựng kế hoạch số hóa nguồn tài liệu sẵn có trong thư viện. Ưu tiên số hóa tài liệu có giá trị thông tin cao, được nhiều người sử dụng, tài liệu phục vụ cho các ngành đào tạo trọng điểm của nhà trường và để tham gia nguồn TNGDM với các cơ sở khác.

Trung tâm Thông tin – Tư liệu cần làm việc với đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu của trường để khuyến khích họ công bố mở các công trình của mình, đồng thời phối hợp với các trường đại học khác để tìm kiếm các nguồn học liệu mở. Xây dựng nguồn TNGDM, tạo lập cộng đồng người dùng và hướng dẫn sử dụng là những nhiệm vụ chính của Trung tâm Thông tin – Tư liệu trường.

Trung tâm cũng là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý, điều hành việc truy cập, bổ sung, cập nhật nguồn tài liệu mở, góp phần làm cho nguồn TNGDM này ngày càng phong phú, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

4.4. Phát huy vai trò của giảng viên trong việc sử dụng và sản xuất TNGDM

Đội ngũ giảng viên và sinh viên của trường là lực lượng trực tiếp khai thác và sử dụng nguồn TNGDM. Vì vậy, giảng viên cần nắm vững những nguyên tắc của việc xây dựng, chia sẻ, tuân thủ vấn đề bản quyền, giấy phép sử dụng của nguồn tài nguyên này. Từ đó biết cách sử dụng TNGD mở phục vụ cho các hoạt động giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo theo đúng bản chất và các yêu cầu của nguồn tài nguyên này.

Giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và cán bộ thư viện sẽ là những người trực tiếp tạo lập và chia sẻ TNGDM. Do đó, lực lượng này cần tích cực trong việc tạo lập các tài liệu có chất lượng để phục vụ việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Bên cạnh đó, giảng viên và các nhà nghiên cứu cần chấp nhận chia sẻ nguồn học liệu của mình theo đúng bản chất của hệ thống TNGDM.

Bên cạnh việc sáng tạo và chia sẻ TNGDM,  giảng viên cò là người “lựa chọn, hướng dẫn, đưa ra những quy định cho sinh viên về việc đọc tài liệu/giáo trình, gợi ý những tài liệu tham khảo. Vì vậy, chất lượng của TNGDM chủ yếu phụ thuộc vào tài nguyên nào giảng viên chọn để sử dụng, họ điều chỉnh chúng thế nào cho phù hợp với bối cảnh cụ thể và họ tích hợp chúng thế nào vào các hoạt động giảng dạy, đào tạo và học tập”. [2, 12].

Như vậy, để giải pháp này thành công thì lãnh đạo nhà trường cần phải có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp lí với các mức độ khác nhau nhằm kích thích, động viên đội ngũ giáo viên phát huy hết vai trò của mình trong sử dụng và sản xuất TNGDM.

  1. Kết luận

Có thể nói tài nguyên giáo dục mở đã mở ra một trang mới cho giáo dục, phá vỡ giáo dục truyền thống, kích thích nhiều phương pháp dạy học khác phát triển, khắc phục được tình trạng thiếu tài liệu giảng dạy, học tập hiện nay tại các trường đại học, đồng thời giúp giảm chi phí giáo dục, tạo ra nguồn tài nguyên vô tận để các trường đại học cùng khai thác.

Tuy nhiên, để xây dựng và sử dụng có hiệu quả công nghệ này, trước mắt các cấp bộ, ngành và các trường đại học còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, việc tạo lập một mạng lưới hợp tác chia sẻ để cùng nhau phát triển nguồn TNGDM là những nhiệm vụ cần thực hiện ngay trước mắt nếu muốn ý tưởng này trở thành hiện thực.

Do có những hạn chế về nguồn lực, Trường Đại học Phạm Văn Đồng đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức nếu muốn tham gia vào hệ thống TNGDM. Tuy nhiên, nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp trên cùng với sự quyết tâm của lãnh đạo và giảng viên, nhân viên nhà trường, việc hợp tác với các trường đại học để xây dựng nguồn tại liệu mở sẽ thành công, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. BCH Trung ương Đảng (2013), Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số: 65 /2007/QĐ-BGDĐT Ban hành “Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học”.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chỉ thị số 2919/CT – BGDĐT ngày 10 tháng 8 năm 2018 “Về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2018 – 2019 của ngành giáo dục”.
  4. Bùi Thanh Diệu (2015), “Thời cơ và thách thức để phát triển ngành công nghiệp nội dung số ở Việt Nam”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 1, tr.17-22.
  5. Đồng Đức Hùng (2014). “Phát triển nguồn học liệu số trong các thư viện đại học hướng tới mô hình đại học nghiên cứu”, Kỷ yếu hội thảo khoa học Hoạt động thông tin – thư viện với vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam, tr. 199-128.
  6. Đỗ Văn Hùng (2015), “Hợp tác chia sẻ học liệu giải pháp tăng cường nguồn lực thông tin cho thư viện đại học Việt Nam”, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 3, tr.3-9
  7. Đỗ Văn Hùng, Tài nguyên giáo dục mở – yếu tố tích cực cho đổi mới giáo dục đại học và mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, Tạp chí Thông tin và Tư liệu, 5/2017.
  8. Đỗ Văn Hùng, Tài nguyên giáo dục mở và nhận diện các yếu tố tác động đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2016. – Số 4. – Tr. 25-34,52.
  9. Hewlett Foundation. Open Educational Resources. Truy cập từ http://www.hewlett.org/programs/education/open-educational-resources.
  10. Bùi Thị Ánh Tuyết, Nhu cầu tin và khả năng đáp ứng nhu cầu tin của các thư viện các trường đại học Hà Nội : Luận văn ngành Thông tin – Thư viện. H.: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, 2015.
  11. Trường Đại học Phạm Văn Đồng (2014), Báo cáo tự đánh giá (để đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học).

 

(1) Thạc sĩ, Khoa Sư phạm Xã hội, Trường Đại học Phạm Văn Đồng.

Scroll