Vai trò nòng cốt của trường đại học trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn

VAI TRÒ NÒNG CỐT CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

TRONG VIỆC XÂY DỰNG TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ

ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỌC TẬP SUỐT ĐỜI CỦA NGƯỜI LỚN

 

Báo cáo tham luận – PGS.TS Hà Trần Phương

Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên

 

  1. Đặt vấn đề

Học tập là nhu cầu tự nhiên và tự thân của con người để thích ứng với xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng ngày càng sâu, rộng vào cuộc sống của người dân tất cả các nước trên thế giới, kho tàng thông tin và tri thức của nhân loại ngày càng được bồi đắp và chia sẻ…. Điều này đòi hỏi con người phải không ngừng học tập và học tập suốt đời để đáp ứng với yêu cầu công việc trong bối cảnh hiện nay.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để mọi người được học tập?. Như chúng ta biết, giáo dục chính quy thường có các yêu cầu cao về tiêu chuẩn đầu, về thời gian, địa điểm tổ chức đào tạo,…. Điều này hạn chế có hội được tiếp cận với giáo dục chính qui, đặc biệt là người lớn. Để giải quyết câu hỏi trên, vào nửa cuối thế kỷ 20, nhiều nhà giáo dục có ý tưởng để cho giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng dễ tiếp cận hơn đối với mọi người. Ý tưởng này đã hình thành khái niệm giáo dục mở. Từ “mở” được sử dụng ở đây được hiểu là gạt bỏ bớt các rào cản đầu vào và mở rộng hình thức tổ chức đào tạo (từ xa, trực tuyến,…) so với mô hình giáo dục truyền thống. Điều này tạo cơ hội cho nhiều người được tiếp cận với giáo dục, đặc biệt là người lớn.

Hiện nay trên thế giới có nhiều quốc gia xây dựng nền giáo dục mở bắt đầu từ trường đại học mở theo ý tưởng “mở” nói trên. Đầu tiên phải kể đến Vương quốc Anh với trường đại học mở đầu tiên ra đời vào năm 1969 và hiện nay trường đại học mở đã xuất hiện hiện nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn Trung Quốc, Ấn độ, Thổ Nhĩ Kỳ,…. Kinh nghiệm cho thấy các trường đại học mở thu hút được nhiều sinh viên đến học, ở nhiều độ tuổi, điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và rất phù hợp với yêu cầu học tập suốt đời của người lớn.

Ở Việt Nam, giáo dục mở đã cũng đã được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đã có hai cơ sở giáo dục đại học mở ở Việt Nam: Viện Đại học Mở Hà Nội và trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh với sứ mạng là phát triển giáo dục mở và từ xa. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương khoa XI xác định rõ “Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, dạy tốt, học tốt, quản lý tốt; có cơ cấu và phương thức giáo dục hợp lý, gắn với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống giáo dục và đào tạo; giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và bản sắc dân tộc.” Đây là định hướng quan trọng để xây dựng một nền giáo dục mở ở Việt Nam.

Trong giáo dục mở nói riêng và giáo dục nói chung, nguồn tài nguyên, học liệu là một phần không thể thiếu, đặc biệt là trong bối cảnh hiện giáo dục hiện nay. Đối với mô hình giáo dục chính quy thông thường, tài nguyên giáo dục là khá quan trọng, giúp cho sinh viên có thể tự chủ thời gian học, tự chủ tích lũy kiến thức. Đối với giáo dục mở dành cho người lớn, vai trò của tự học là rất quan trọng, do đó một trong những biện pháp nâng cao chất lượng của giáo dục mở là phát triển, xây dựng một hệ thống tài nguyên giáo dục mở có chất lượng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời. Trong bài viết này chúng tôi sẽ trao đổi một số nội dung về thực trạng năng lực của các trường đại học đáp ứng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng học liệu mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn

  1. Trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở
  2. Tài nguyên giáo dục mở

Tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) được hiểu là “các tư liệu dạy, học và nghiên cứu trong bất kỳ phương tiện nào, dù là số hay không, nằm trong miền công cộng hoặc đã được phát hành theo một giấy phép mở cho phép những người khác truy cập, sử dụng, tuỳ biến thích nghi và phân phối lại không mất phí, không có các giới hạn hoặc có các giới hạn được hạn chế. Việc cấp phép mở được xây dựng trong khuôn khổ các quyền sở hữu trí tuệ hiện hành như được các quy ước quốc tế thích hợp xác định và tôn trọng vị thế tác giả của tác phẩm” như tuyên bố của UNESCO vào tháng 6/2012. Như vậy tài nguyên giáo dục mở là các học liệu được thiết kế để sử dụng trong việc dạy và học như các chương trình đào tạo, giáo trình, các bài giảng, tư liệu của khoá học, tài liệu tham khảo, các phần mềm ứng dụng, các ứng dụng đa phương tiện…, cho phép người dạy và người học tiếp cận với mục đích dạy và học mà không phải trả các khoản phí bản quyền hoặc giấy phép.

Điểm khác biệt quan trọng giữa tài nguyên giáo dục mở với các tài nguyên giáo dục khác là giấy phép của tài liệu cho cho mọi người được quyền truy cập, sử dụng. Do đó, khi phát triển tài nguyên giáo dục mở ta cần chú ý phát triển cả nội dung và giấy phép của nó. Ngoài ta, để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời tài nguyên giáo dục mở dành cho người lớn cần đáp ứng được một số yêu cầu sau:

+ Nội dung tài nguyên giáo dục mở cần đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn. Chú ý rằng, nhu cầu học tập của người lớn rất đa dạng, phong phú, trên nhiều lĩnh vực kinh tế – xã hội và có sự khác biệt với nhu cầu học tập của người trẻ.

+ Tài nguyên giáo dục cần đa dạng, phong phú loại hình: sách, báo, tài liệu cứng, tài liệu mềm, audio, video, …; tiện lợi về việc tiếp cận: tiếp cận truyền thống tại các trường đại học, các cơ sở phát hành, thông qua mạng internet, trực tuyến. Trong đó cần khuyến khích phát triển theo hướng ứng dụng mạnh công nghệ thông tin để tài liệu đến với người đọc được nhanh.

  1. Vai trò, trách nhiệm của trường đại học với việc xây dựng học liệu mở

Các trường đại học với vai trò là nơi đào tạo, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực có chất lượng cao, là nơi thực hiện các nghiên cứu khoa học đáp ứng việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó, vị trí và trách nhiệm tiên phong của các trường đại học trong việc tạo ra các cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, trong đó có người lớn là rất rõ ràng; Các trường cần nêu cao vai trò và là địa chỉ để mọi người tìm đến học tập nâng cao trình độ hiểu biết và kỹ năng nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Đặc biệt xác định vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, quản lý, phát triển, chia sẽ các tài nguyên giáo dục mở cho cộng đồng.

Các trường đại học cần thường xuyên tham khảo kinh nghiệm trong nước và quốc tế, thương xuyên cập nhật các kiến thức, kỹ năng tiên tiến trên thế giới để cụ thể hóa các nội dung chuyên môn, quản trị trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn.

Cần tích cực tham gia vào các hệ sinh thái OER để phát triển, chia sẻ khai thác học liệu: các trường đại học cần chủ động xây dựng các học liệu mở, chia sẻ tài nguyên với các cơ sở giáo dục khác, chủ động kết nối với các trường và các đơn vị liên quan để xây dựng cộng đồng người phát triển OER.

  1. Tác động học liệu mở đối với trường đại học

Phát triển học liệu mở là một hướng đi bắt buộc trong bối cảnh toàn cầu hóa và các mạng công nghiệp 4.0, hướng tới xây dựng thư viện điện tử hiện đại, liên kết với các thư viện của các cơ sở giáo dục khác, góp đổi mới phương thức dạy và học, nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới công tác quản trị của trường đại học. Hơn nữa, hiện nay việc phát triển học liệu truyền thống đang gặp phải những khó khăn liên quan đến: tài chính, khả năng chia sẻ, tìm kiếm, truy cập…. Học liệu mở sẽ khắc phục được cơ bản những khó khăn này.

Khi tham gia vào hệ sinh thái OER, các trường đại học có nhiều thông tin trong việc xây dựng và cải tiến các chính sách, chiến lược giáo dục ngày càng tốt hơn: các trường đại học sẽ nắm bắt được một cách toàn diện nhu cầu của người học và phản hồi của các bên liên quan đối với những học liệu do mình cung cấp, từ đó đặt ra kế hoạch cải tiến chất lượng học liệu nói riêng và chất lượng đào tạo nói chung; Giảng viên, sinh viên được tiếp cận nhiều hơn các nguồn học liệu đa dạng, phong phú, chất lượng, điều này giúp sinh viên có hiểu biết rộng, có nhiều cơ hội tham gia vào quá trình giáo dục hiệu quả hơn. Ngoài ra, khi tham gia vào hệ sinh thái OER, các trường đại học được sử dụng một hệ thống học liệu lớn, đầy đủ và đảm bảo cho các hoạt động đào tạo, NCKH, kiểm định,… của trường đại học.

  1. Năng lực của các trường đại học đáp ứng vài trò nòng cốt trong việc xây dựng, phá triển học liệu mở

Phần lớn hiện nay các trường đều tự chủ hoặc tự chủ một phần về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Đã có Hội đồng trường để thực hiện các nhiệm vụ về tự chủ đại học. Do đó các trường có đủ các điều kiện pháp lý để phát triển học liệu mở.

Các trường đại học có một đội ngũ các thày cô giáo, các giảng viên đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo đáp ứng nhu cầu lao động cho tất cả các ngành kinh tế – xã hội. Rất nhiều các đội ngũ cán bộ đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong các ngành kinh tế – xã hội ở Việt Nam đều được đào tạo tại các trường đại học. Do đó, các trường đại học có đủ năng lực, đáp ứng thực hiện vai trò nòng cốt cung cấp các nội dung cho tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn. Thực tế, trong thời gian vừa qua, các trường đại học đã có những đóng góp nhất định vào việc học tập suốt đời của người lớn thông qua các hệ thống đào tạo các bậc học trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ), đào tạo nâng chuẩn, xây dựng và tổ chức thực hiện các chuyên đề bồi dưỡng kiến thức đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy nhiên các hoạt động đó mới đáp ứng cho một phần nhu cầu học tập của người lớn cả về số lượng và chất lượng.

Hằng năm, các trường đại học đã và đang thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, là nơi trực tiếp tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Thực tế, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều nghiên cứu thực hiện tại các trường đại học đã được áp dụng vào việc phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, các trường có đủ các điều kiện để tạo ra học liệu và học liệu mở không chỉ đáp ứng nhu cầu học tập phục vụ nhu cầu hiện tại mà còn đáp ứng được nhu cầu cho tương lai gần của người lớn.

Cơ sở vật chất của các trường đáp ứng tốt các yêu cầu về truyền thông, quảng bá thông tin cũng như phát hành: có cổng thông tin điện tử thực hiện nhiệm vụ truyền thông quảng bá thông tin; có trung tâm sản xuất học liệu điện tử, có thư viện truyền thống và điện tử để quản lý học liệu tài nguyên giáo dục mở; có các phần mềm quản lý học liệu và đào tạo theo hình thức trực tuyến, từ xa; có tạp chí hoặc phối hợp với các tạp chí để viết bài nghiên cứu, truyền thông,…. Trong thực tế, các trường đại học đã tham gia sản xuất và phát hành nhiều học liệu cho đào tạo và NCKH cả học liệu cứng và học liệu điện tử, chia sẻ học liệu với các trường đại học trong và ngoài nước; Đã tổ chức nhiều các khóa học trực tuyến qua mạng, từ xa,….

Từ các phân tích trên, các trường đại học có đủ các điều kiện về pháp lý, tài nguyên (con người và cơ sở vật chất) đáp ứng thực hiện vai trò nòng cốt, tiên phong trong việc phát triển tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn.

  1. Trường ĐHSP – ĐHTN với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở
  • Năng lực của Trường hiện nay

Trường có 14 khoa và bộ môn trực thuộc trực tiếp tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học; 04 trung tâm (trung tâm tin học, ngoại ngữ, phát triển kỹ năng sư phạm, bồi dưỡng tiếng việt cho người nước ngoài) làm các nhiệm vụ bồi dưỡng các nội dung theo nhu cầu của xã hội và quốc tế; Có 01 Viện nghiên cứu Kinh tế – Xã hội nhân văn miền núi, 01 trường THPT thực hành. Có 11 đơn vị chức năng để thực hiện các nhiệm vụ của Nhà trường; có Hội đồng trường thực hiện các chức năng tự chủ đại học. Trường có trên 500 cán bộ giảng viên, trong đó có khoảng 330 giảng viên, trong đó có 40 Giáo sư, Phó Giáo sư, 165 tiến sĩ (khoảng 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ).

Hiện nay Trường đang thực hiện 20 chương trình đào tạo giáo viên có trình độ đại học; 24 chương trình thạc sĩ và 13 chương trình đào tạo tiến sĩ. Ngoài ra, Trường có 26 chương trình bồi dưỡng dành cho sinh viên, giảng viên, giáo viên. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, trường đã đào tạo gần 20.000 học viên và sinh viên có trình độ đại học, trên 2000 học viên cao học, 150 tiến sĩ. Đã thực hiện bồi dưỡng cho khoảng 32.000 giáo viên phổ thông và 600 giảng viên đại học.

Về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, trong giai đoạn 5 năm gần đây Trường đã thực hiện 13 đề tài cấp Nhà nước, 30 đề tài cấp Bộ, 44 đề tài cấp ĐH Thái Nguyên; 58 đề tài cấp cơ sở, 941 đề tài NCKH sinh viên; Công bố 178 bài báo quốc tế (trên 50% là ISI), 466 bài báo trong nước; đã xuất bản 50 đầu sách; chuyển giao 02 công trình NCKH cho Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh Thái Nguyên. Trường cũng đã có 15 công trình NCKH của giảng viên và 20 lượt sinh viên được thưởng công trình NCKH cấp Bộ, Tỉnh. Hiện nay Trường đang thực hiện nhiều đề tài có ảnh hưởng rộng đến hệ thống giáo dục. Trường có quan hệ với nhiều trường đại học trên thế giới đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ: Mỹ, Úc, Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,…. Đã có nhiều chương trình làm việc giữa các bên về trao đổi sinh viên, trao đổi chương trình đào tạo, phối hợp tổ chức hội nghị khoa học,…. Hiện nay trường cũng đào tạo, bồi dưỡng các chương trình dài hạn, ngắn hạn cho nhiều sinh viên quốc tế.

Về cơ sở vật chất, Trường đã có website từ nhiều năm, hiện nay đang cải tiến thành cổng thông tin điện tử hiện đại; có thư viện truyền thống và thư viện điện tử hiện đại mới được đầu tư; có trung tâm CNTT; các phòng sản xuất học liệu điện tử; có các phần mềm quản lý học liệu và đào tạo theo hình thức trực tuyến, từ xa, phần mềm đảm bảo chất lượng; Ngoài ra, thư viện của trường được liên kết chặt chẽ với trung tâm học liệu Đại học Thái Nguyên và một số cơ sở giáo dục đại học khác.

  • Vai trò nòng cốt

Hiện nay, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên là cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao; là trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, đặc biệt là khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Trong những năm vừa qua, Trường có vai trò nòng cốt trong một số chương trình dự án lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Thế mạnh của Trường trong xây dựng học liệu mở là:

Về chuyên môn: Những nội dung liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và tư vấn tâm lý, trong đó có tư vấn tâm lý cho người lớn;  Giáo dục STEM, giáo dục đa văn hóa, giáo dục cho người dân tộc thiểu số; Toán và khoa tự nhiên; Khoa học xã hội và nhân văn; Khoa học Giáo dục.

Về cơ sở vật chất: Trường có đầy đủ các điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, phát hành, truyền thông quảng bá, quản trị tài nguyên giáo dục mở.

Năng lực của trường đáp ứng được vai trò nòng cốt trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn.

  1. Đề xuất kiến nghị

– Xây dựng một mô hình về tài nguyên giáo dục mở dành cho người lớn phù hợp với điều kiện Việt Nam dựa trên kinh nghiệm quốc tế, bao gồm: hành lang pháp lý, công tác đầu tư, xây dựng, quản trị tài nguyên, trách nhiệm của các tổ chức đơn vị, cá nhân liên quan.…

– Xây dựng một hành lang pháp lý về xây dựng và quản lý tài nguyên giáo dục mở: trách nhiệm và nhiệm vụ của các bên liên quan, chú trọng đến vai trò nòng cốt, tiên phong của các trường đại học trong việc xây dựng OER (xây dựng nội dung OER, xây dựng các bài giảng số cho OER, phát triển công nghệ quản trị,….); bản quyền, chia sẻ, thương mại,…. Xây dựng các chính sách để tài nguyên giáo dục mở có thể đi vào thực tiễn.

– Xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về việc phát triển tài nguyên giáo dục mở dành cho người lớn: khảo sát nhu cầu, nội dung học tập, hình thức tổ chức, phương pháp tiếp cận học liệu, tài chính, trách nhiệm của các bên liên quan…. Giao cho các trường đại học thực hiện nhiệm vụ này.

– Truyền thông, quảng bá các hoạt động phát triển tài nguyên giáo dục mở trong cộng đồng. Tạo sự đồng thuận giữa các cơ quan nhà nước, nhà làm chính sách, trường đại học, các bên liên quan và cộng đồng người sử dụng, đặc biệt là người lớn về phát triển, khai thác học liệu mở. Đồng thời, kêu gọi các trường đại học và các bên liên quan tham gia một cách tích cực trong việc phát triển OER.

– Tạo lập môi trường sinh thái OER giữa các trường đại học và các bên liên quan trong việc phát triển và khai thác, thương mại (nếu có) tài nguyên giáo dục mở. Hệ sinh thái này đảm bảo sự phối hợp tốt giữa những trường đại học (đơn vị xây dựng nội dung) và các bên cung cấp giải pháp công nghệ, nhà thương mại, truyền thông và người sử dụng để đảm bảo tài nguyên giáo dục mở có thể đi vào thực tiễn đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn.

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://vi.wikipedia.org/wiki/Giáo_dục_mở
  2. http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/tai-nguyen-giao-duc-mo-va-nhan-dien-cac-yeu-to-tac-dong-den-viec-phat-trien-tai-nguyen-giao-duc-mo-tai-viet-nam.html
  3. http://nlv.gov.vn/nghiep-vu-thu-vien/vai-tro-cua-tai-nguyen-giao-duc-mo-va-truy-cap-mo-trong-viec-nang-cao-chat-luong-giao-duc-dai-hoc-o-viet-nam.html
Scroll