Xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở tại trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời

Trường Đại học Quy Nhơn, Bài tham luận tại Hội thảo khoa học “Trường Đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” (thực hiện Công văn số 1353/BGDĐT-GDTX ngày 02/4/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

 

XÂY DỰNG NGUỒN TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC

NHẰM ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỌC TẬP SUỐT ĐỜI

Nguyễn Phi Hùnga, Huỳnh Công Túb, Đỗ Ngọc Mỹc

aViện Nghiên cứu sư phạm và khoa học giáo dục, Trường Đại học Quy Nhơn

bPhòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Quy Nhơn

cBan Giám hiệu, Trường Đại học Quy Nhơn

  1. Mở đầu

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, sự hình thành và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của nền kinh tế tri thức, sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông… đang tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo. Giáo dục đại học trên thế giới đang đổi mới theo hướng đa chiều, linh hoạt và “mở” hơn, vì một nền giáo dục phát triển bền vững, coi trọng nhiệm vụ phát triển năng lực người học nhằm giải quyết các tình huống của cuộc sống, thích ứng với sự biến đổi của xã hội. Một số xu thế dịch chuyển của giáo dục đại học có thể nhận diện như sau [1-3]: (1) Chương trình đào tạo linh hoạt; tăng dần tính liên ngành, xuyên ngành; (2) Phương thức đào tạo đa dạng (trực tiếp, trực tuyến, học liệu mở,…); coi trọng giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời; (3) Tăng cường hợp tác, liên kết, tạo mạng lưới các trường đại học, giáo dục xuyên biên giới; chất lượng giáo dục được quy chuẩn theo khu vực, quốc tế; (4) Số hóa giáo dục, hình thành “hệ sinh thái đại học” linh hoạt, đa dạng; (5) Đề cao sáng tạo, canh tân và giá trị; coi trọng đảm bảo chất lượng, văn hóa về chất lượng; (6) Chuyển từ chú trọng đầu vào sang kết quả đầu ra, nhấn mạnh năng lực người học; đào tạo về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; đa dạng hóa cơ cấu ngành nghề, kết hợp đào tạo đại học và đào tạo nghề; (7) Từ tinh hoa sang đại chúng; xã hội hóa giáo dục đại học; đại học gắn liền với cộng đồng; xuất hiện các mô hình đại học – doanh nghiệp, các spin-off trong trường đại học,…; (8) Đại học tự chủ đi đôi với trách nhiệm giải trình, dịch chuyển từ quản lý giáo dục sang quản trị nhà trường. Trong đó, tạo lập nguồn tài nguyên giáo dục mở tại các trường đại học nhằm phục vụ hiệu quả cho giáo dục thường xuyên, giáo dục suốt đời được xem là xu thế rất quan trọng và tất yếu.

  1. Kinh nghiệm quốc tế

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và internet đã dẫn đến xuất hiện các nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER, open educational resources) [4], bao gồm học tập trực tuyến (online learning), học tập điện tử (e-learning) và giáo dục từ xa. Tài nguyên giáo dục mở đã giúp cải thiện khả năng tiếp cận học tập và nâng cao chất lượng học tập cho đại chúng toàn cầu với chi phí thấp hơn so với giáo dục truyền thống, tương tác trực tuyến và góp phần trao quyền cho các giảng viên thông qua chia sẻ nội dung và các sáng kiến sư phạm của họ [5].

OER bắt đầu xuất hiện từ năm 1985, khi Quỹ Phần mềm Tự do được thành lập bởi Richard Stallman để hỗ trợ phong trào phần mềm miễn phí và trao quyền tự do nhất định cho người dùng phần mềm [6]. Năm 1994, thuật ngữ đối tượng học tập được Wayne Hodgins giới thiệu để chỉ các tài nguyên giáo dục kỹ thuật số có thể được chia sẻ qua World Wide Web [7]. Năm 1998, thuật ngữ nội dung mở được David Wiley đặt ra và giới thiệu với cộng đồng giáo dục, đặc biệt là những người tạo ra các đối tượng học tập. Sau đó, vào năm 1999, khóa học mở (OCW, Open Courseware) đã được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) giới thiệu nhằm phát triển giáo dục từ xa và học tập điện tử, chia sẻ kiến ​​thức giữa các nhà giáo dục và học giả trên toàn thế giới [6]. MIT muốn cung cấp các khóa học này dưới dạng nội dung mở miễn phí. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với những thách thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các tài liệu nhúng trong các khóa học [6]. Do vậy, sau đó một năm, Tài sản sáng tạo cộng đồng (CC, Creative Commons) đã được khởi xướng, giới thiệu một bộ giấy phép linh hoạt để chia sẻ mở và phổ biến các tác phẩm có bản quyền [7]. Năm 2002, MIT đã khởi động dự án MIT OCW cho công chúng thông qua các sáng kiến ​​khác nhau như Tài nguyên giáo dục đa phương tiện cho học tập và giảng dạy trực tuyến (MERLOT) [8]. Sự phát triển OCW được tiếp nối bởi sự ra mắt chính thức của OER của diễn đàn Khóa học mở do UNESCO tổ chức năm 2002. Kể từ đó, việc phổ biến và áp dụng OER đã được lan rộng bởi nhiều tổ chức như UNESCO, Hewlett Foundation [9], nhằm mục tiêu cung cấp giáo dục miễn phí cho tất cả mọi người. Các nhà giáo dục và người học đã dần quan tâm đến sử dụng OER và phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm tốt nhất trong các nguồn học liệu [6].

Từ Hội nghị OER thế giới diễn ra tại Paris năm 2012, UNESCO đã đưa ra tuyên bố Paris nhằm phát triển OER tại các quốc gia, gồm 10 điểm sau:

(1) Khuyến khích nâng cao nhận thức và sử dụng OER;

(2) Tạo thuận lợi cho các môi trường sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông;

(3) Tăng cường phát triển các chiến lược và chính sách OER;

(4) Thúc đẩy hiểu biết và sử dụng các khung cấp phép mở;

(5) Hỗ trợ xây dựng năng lực vì sự phát triển bền vững các tư liệu học tập có chất lượng;

(6) Khuyến khích các liên minh chiến lược về OER;

(7) Thúc đẩy phát triển và áp dụng OER trong các ngôn ngữ và ngữ cảnh văn hóa khác nhau;

(8) Thúc đẩy nghiên cứu về OER;

(9) Tạo thuận lợi phát hiện, tìm kiếm, sử dụng và chia sẻ OER;

(10) Thúc đẩy việc cấp phép mở cho các tư liệu giáo dục được tạo ra từ ngân sách nhà nước.

Cũng UNESCO, trong tài liệu của mình với đầu đề: “Các chỉ dẫn về tài nguyên giáo dục mở (OER) trong giáo dục đại học” xuất bản năm 2015, đã đưa ra các chỉ dẫn chiến lược cho 5 đối tượng sau:

(1) Chính phủ;

(2) Cơ sở giáo dục đại học;

(3) Các giáo viên, đội ngũ nghiên cứu hàn lâm;

(4) Các sinh viên, tổ chức của sinh viên;

(5) Các cơ sở đảm bảo, công nhận chất lượng và các cơ sở thừa nhận hàn lâm.

  1. Xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam – thực trạng, những rào cản

3.1. Nhận thức và hiểu biết của cộng đồng về OER

Số liệu khảo sát cho thấy [10], OER đã có được sự quan tâm đáng kể của cộng đồng tại Việt Nam. Có 68% giảng viên và trên 50% cán bộ thư viện cho rằng đã biết về sự tồn tại của OER, trong khi con số này của sinh viên là 34%. Có thể thấy, với một vấn đề mới như OER thì con số này là rất khả quan. Tuy nhiên, việc hiểu cặn kẽ được khái niệm cũng như những đặc trưng về OER vẫn còn hạn chế. Các ý kiến chủ yếu cho rằng, tài nguyên giáo dục mở là nguồn tài liệu miễn phí, một số còn cho rằng tài liệu tìm thấy trên mạng có thể tải về sử dụng cũng được coi là nguồn học liệu mở và có thể sử dụng tùy thích. Phần lớn họ không đề cập đến vấn đề bản quyền, giấy phép sử dụng kèm theo của các tài liệu này. Chỉ dưới 10% số người được hỏi có biết về hệ thống giấy phép Creative Commons. Qua đây có thể thấy sự hiểu biết và kinh nghiệm của các bên liên quan trực tiếp đến OER còn hạn chế. Do vậy, cần có những chiến lược truyền thông cũng như các khóa đào tạo cơ bản để nâng cao nhận thức và tạo cơ hội trải nghiệm cho những người sẽ trực tiếp tạo lập, chia sẻ và sử dụng nguồn tài nguyên này trong các trường đại học.

3.2. Sử dụng, tạo lập và chia sẻ OER

Cũng theo công bố của [10], trải nghiệm thực tế sử dụng OER tại Việt Nam vẫn còn thấp. Chỉ có 11,4% số người được hỏi trong nhóm giảng viên, cán bộ thư viện và sinh viên khẳng định đã tham gia sử dụng OER hoặc tham gia các dự án liên quan đến học liệu mở. Giảng viên khai thác học liệu từ các dự án quốc tế như OpenCourseWare; Commonwealth of Learning, hay của Việt Nam như Vietnam Open Education resources, lần lượt theo tỉ lệ là 29% và 21%. Nhìn chung giảng viên đã bắt đầu sử dụng OER, tuy nhiên vẫn đang ở còn mức độ khiêm tốn. Các kho dữ liệu OER vẫn chưa được cộng đồng trong nước sử dụng, đóng góp nhiều, so với các nguồn dữ liệu khác như YouTube, Khan Academy, TED.

3.3. Vấn đề bản quyền

Vấn đề bản quyền là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển OER. 81% người được hỏi cho rằng bản quyền là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc các tác giả, các trường đại học sẵn sàng tham gia đóng góp và phát triển OER hay không. Tình trạng vi phạm bản quyền như hiện nay tại Việt Nam sẽ là rào cản lớn tác động đến sự chia sẻ của người dùng. Điều này sẽ đi ngược lại triết lý và mục tiêu của OER, đó là tri thức phải được cập nhật và chia sẻ càng nhiều càng tốt, tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận tri thức và giáo dục một cách tối đa. Vì vậy, việc áp dụng giấy phép CC và tuân thủ chặt chẽ các quy định về sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả sẽ là những công cụ kiểm soát hữu hiệu.

3.4. Cơ chế chính sách

Giảng viên đại học và người học tại Việt Nam cho đến nay vẫn chưa được tiếp cận, lĩnh hội các cơ chế chính sách mang tính khuyến khích và hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn một cách hệ thống về OER. Vì thế, việc tham gia khai thác và phát triển OER tại các trường đại học trong nước chưa dựa trên một cơ sở pháp lý đầy đủ, chưa được quan tâm thỏa đáng và chưa có tính kế hoạch chiến lược rõ ràng.

3.5. Công nghệ mở

Xu hướng nguồn mở (open sources) đang phát triển nhanh tại Việt Nam, các trường đại học đã bắt đầu quan tâm đến các sản phẩm công nghệ mở. Đã xuất hiện một số tổ chức liên quan đến công nghệ mở trong nước như: Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ mở (RDOT). Các tổ chức này đang có những hoạt động thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mở cho cả khu vực công và tư nhân. Cộng đồng đã bắt đầu sử dụng các phần mềm nguồn mở trong ứng dụng công nghệ thông tin và nhiều lĩnh vực khác. Vai trò của các công ty là rất quan trọng trong việc tư vấn, phát triển nền tảng công nghệ và các chuẩn mở cho việc tạo lập, lưu trữ, đánh giá, khai thác và chia sẻ OER.

  1. Các giải pháp đề xuất

Để phát triển OER tại các trường đại học nói riêng và cho hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung, chúng tôi đề xuất một số vấn đề sau:

4.1. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý về OER và liên quan (giấy phép CC, sở hữu trí tuệ,…); đồng thời thiết lập chính sách nhằm phát triển hiệu quả OER, dựa trên lý luận, kinh nghiệm và thông lệ quốc tế, đồng thời phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

4.2. Lập các diễn đàn phổ biến, thảo luận, tập huấn, nâng cao nhận thức trong cộng đồng, giúp các bên liên quan như các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo trường đại học, lãnh đạo thư viện, giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên hiểu rõ hơn về OER và các luật lệ đi kèm. Từ đó, huy động sự tham gia tích cực của các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp,… trong việc cung cấp nội dung và phát triển nền tảng công nghệ cho OER.

4.3. Tạo lập một hệ sinh thái OER cho các trường đại học Việt Nam bao gồm: cộng đồng phát triển và sử dụng, nguồn học liệu/ nội dung mở, các dịch vụ và sản phẩm, các nhà/ kênh phân phối thông tin. Hệ sinh thái này là sự cộng sinh giữa các bên cung cấp nội dung (các trường đại học, giảng viên), bên cung cấp giải pháp công nghệ (các công ty kinh doanh công nghệ mở) và người sử dụng.

4.4. Lựa chọn mô hình hợp tác phát triển OER phù hợp. Kết hợp giữa đầu tư cơ bản của nhà nước với đóng góp, chia sẻ của trường đại học, của cộng đồng. Trên cơ sở tuân thủ luật quốc tế về OER và đóng góp tương xứng vào tài nguyên OER toàn cầu, tăng cường bản địa hóa nguồn tài nguyên giáo dục mở có giá trị của thế giới để phục vụ cho nhu cầu học tập suốt đời trong nước.

4.5. Thành lập cơ quan quốc gia chuyên trách về OER và Creative Commons; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và sự phát triển bền vững OER; bổ sung hoạt động OER vào bộ tiêu chuẩn kiểm định và đảm bảo chất lượng trường đại học.

4.6. Tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hình thành các liên đại học về xây dựng và phát triển OER.

  1. Kết luận

Nguồn tài nguyên giáo dục mở (OER) mang lại nhiều lợi ích cho giáo dục như: giảm chi phí mà vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục, huy động được sức mạnh sáng tạo của cả cộng đồng, mức độ ảnh hưởng rộng lớn và nhanh chóng, người học ở mọi hoàn cảnh đều có thể dễ dàng tiếp cận và lĩnh hội,… OER đã và đang rất được quan tâm ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển, nhưng vẫn còn mới mẻ và chưa được thể chế hóa rõ ràng tại Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập và giáo dục đang chuyển dịch theo hướng đa chiều, linh hoạt và “mở” hơn, việc tạo lập OER tại các trường đại học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của cộng đồng càng có tính quan trọng và cấp thiết. Để phát triển OER tại các trường đại học trong nước một cách hiệu quả và bền vững, cần phải nâng cao nhận thức và sớm hành động đúng đắn, có trách nhiệm về OER như: lập kế hoạch chiến lược phát triển OER phù hợp ở tầm quốc gia; xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, các quy chuẩn, tiêu chuẩn về OER; tạo lập các cộng đồng và hệ sinh thái OER; hợp tác và học hỏi kinh nghiệm quốc tế về OER;…

 

Tài liệu tham khảo

[1] Albatch P. G., Reisberg L., Rumbley L. E., Trends in global higher education: Tracking an academic revolution, UNESCO 2009 World Conference on Higher Education, Paris, 2009.

[2] OECD, Higher education to 2030, Vol. 2: Globalisation, 2009.

[3] Quốc hội, Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học.

[4] Blackall L., Open educational resources and practices, Journal of E-Learning and Knowledge Society, 3(2), 63-81, 2007.

[5] OECD, Giving knowledge for free: The emergence of open educational resources, 2007, Retrieved from https://www.oecd.org/edu/ceri/38654317.pdf

[6] Caswell T., Henson S., Jensen M., Wiley D., Open content and open educational resources: Enabling universal education, The International Review of Research in Open and Distributed Learning, 9(1), 2008, Retrieved from http://www.irrodl.org/index.php/irrodl/article/download/469/1009

[7] Wiley D., History of open educational resources, 2006, Retrieved from the William and Flora Hewlett Foundation website: http://www.hewlett.org/library/history-of-openeducational-resources

[8] Tuomi I., Open educational resources and the transformation of education, European Journal of Education, 48, 58–78, DOI: 10.1111/ejed.12019, 2013.

[9] Conole G., Designing for learning in an open world, New York, NY: Springer, DOI:10.1007/978-1-4419-8517-0, 2012.

[10] Đỗ Văn Hùng, Tài nguyên giáo dục mở – yếu tố tích cực cho đổi mới giáo dục đại học và mục tiêu phát triển bền vững quốc gia, Tạp chí Thông tin và tư liệu, tr. 3-14, 5/2017.

Scroll