Xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở trường đại học

XÂY DỰNG TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Nguyễn Tiến Công

Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Email: congnt@hcmue.edu.vn

  1. Tài nguyên giáo dục mở là gì

Tài nguyên giáo dục mở – OER (Open Educational Resources) là vấn đề đang được nhiều nước, trong đó có Việt Nam quan tâm trong những năm gần đây. Xuất phát từ quan điểm “Tri thức là của chung của nhân loại và tri thức cần phải được chia sẻ”, vào năm 2002, Viện Công nghệ Massachusetts – MIT (Mỹ) quyết định đưa toàn bộ nội dung giảng dạy của mình lên mạng và cho phép người dùng Internet ở mọi nơi trên thế giới truy cập hoàn toàn miễn phí, qua đó hình thành thuật ngữ Học liệu mở (Open Course Ware OCW). Quan điểm về học liệu mở sau đó được rất nhiều trường Đại học và Viện nghiên cứu trên thế giới hưởng ứng, tham gia từ đó lập lên Hiệp hội Học liệu mở (Open Course Ware Consortium) để chia sẻ nội dung, công cụ cũng như phương thức triển khai học liệu mở sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

Ngay sau đó, tại diễn đàn UNESCO (United Nations Educational, Scientific and Cultural Organization) năm 2002 về tác động của học liệu mở (OCW) cho giáo dục đại học của các nước đang phát triển, khái niệm “tài nguyên giáo dục mở” lần đầu tiên được đề cập đến. Theo UNESCO, “OER là các tư liệu học, dạy và nghiên cứu ở bất kỳ dạng tài nguyên nào, dù là số hay không, thuộc phạm vi/ miền công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở, cho phép những người khác truy cập, sửa đổi, sử dụng và chia sẻ mà không mất phí mà không có hạn chế hay có các giới hạn ở mức hạn chế” [1].

Tài nguyên giáo dục mở thường bao gồm các thành phần chính sau:

  • Nội dung học: khung chương trình đào tạo; các giáo trình, tài liệu học tập, các module nội dung, các đối tượng học tập (video, hình ảnh động, các bài kiểm tra, …), các bộ sưu tập, tạp chí,…
  • Các công cụ học tập: Phần mềm hỗ trợ việc tạo lập, phân phối, sử dụng và cải thiện nội dung học tập mở bao gồm cả việc tìm kiếm và tổ chức nội dung, các hệ thống quản lý nội dung và quá trình học tập (CLMS), các công cụ phát triển nội dung và các cộng đồng học tập trực tuyến.
  • Các tài nguyên bổ sung khác: Các giấy phép sở hữu trí tuệ để thúc đẩy xuất bản các tài liệu mở, các nguyên tắc thiết kế và việc bản địa hoá nội dung [2].

Yếu tố “mở” có thể được hiểu theo như cách giải thích của Wiley, đó là tài nguyên được cung cấp miễn phí và có tuyên bố một hoặc tất cả bốn quyền (thường gọi tắt là “4Rs”) gồm:

– Tái sử dụng (Reuse): Quyền được sử dụng lại nội dung với hình thức không đổi hay đúng nguyên văn của bản gốc (ví dụ, một bản sao của tài liệu gốc).

– Sửa đổi (Revise): Quyền được tiếp nhận, điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay đổi nội dung của tài liệu gốc (ví dụ, dịch nội dung một tài liệu sang một ngôn ngữ khác).

– Trộn lẫn (Remix): Quyền được kết hợp các nội dung của tài liệu gốc hoặc sửa đổi với nội dung gốc rồi kết hợp các nội dung khác để tạo ra một bản mới (ví dụ, một tài liệu tổng hợp từ nhiều nội dung khác nhau).

– Phân phối lại (Redistribute): Quyền được chia sẻ các bản sao của nội dung tài liệu gốc, cũng như các phiên bản khác của nó, hoặc là những bản đã được chỉnh sửa, trộn lẫn (ví dụ, đưa một bản sao tài liệu cho một người bạn sử dụng) [3].

Các quyền này đi kèm sẽ giúp cho tài nguyên hoàn toàn miễn phí và tự do trong việc sử dụng. Tuy nhiên, để giúp người sử dụng tránh được những rắc rối liên quan đến bản quyền, cần thiết áp dụng giấy phép của Creative Commons (CC) như là một công cụ để kiểm soát việc này.

Hệ thống giấy phép của Creative Commons (CC) là hệ thống giấy phép được sử dụng phổ biến nhất hiện nay trên thế giới. Giấy phép CC không phải là một văn bản có tính pháp lý, nhưng giúp một tác giả quyết định phổ biến tác phẩm của mình theo phạm vi mà mình cho phép và người sử dụng biết được mình sẽ sử dụng tác phẩm này ở mức độ nào. Hệ thống giấy phép Creative Commons (CC) có 4 yếu tố tùy chọn, gồm: Ghi công – Attribution (BY): đây là yếu tố bắt buộc cho tất cả các giấy phép CC; Phi thương mại – NonCommercial (NC): không sử dụng tác phẩm vào mục đích thương mại; Không có phái sinh – NoDerivative (ND): không cho phép sửa đổi tác phẩm gốc và Chia sẻ tương tự – Share Alike (SA): tác phẩm phái sinh phải mang giấy phép như tác phẩm gốc ban đầu. Từ 4 yêu tố tuỳ chọn này, hệ thống Creative Commons có 6 giấy phép tiêu chuẩn, bao gồm:

  1. Ghi công – Creative Commons Attribution (CC BY)
  2. Ghi công – Chia sẻ tương tự – Creative Commons Attribution ShareAlike (CC BY-SA)
  3. Ghi công – Phi thương mại – Creative Commons Attribution NonCommercial (CC BY-NC)
  4. Ghi công – Phi thương mại – Chia sẻ tương tự – Creative Commons Attribution NonCommercial Share Alike (CC BY-NC-SA)
  5. Ghi công – Không có phái sinh – Creative Commons Attribution NoDerivative (CC BY-ND)
  6. Ghi công – Phi thương mại – Không có phái sinh – Creative Commons Attribution NonCommercial NoDerivative (CC BY-NC-ND)

Dễ thấy là tất cả các giấy phép Creative Commons được nêu ở trên đều có yêu cầu bắt buộc “Ghi công”. Đây là việc quan trọng với mục đích để các độc giả tôn trọng BẢN QUYỀN tác giả.

  1. Vai trò của tài nguyên giáo dục mở

Nền tảng của cách mạng 4.0 là vạn vật kết nối và do đó, điều kiện tất yếu cần có là phải có khoa học mở, truy cập mở, giáo dục mở và dữ liệu mở.

OER chứa nguồn tài liệu khổng lồ của nhân loại và cho phép mọi đối tượng được tiếp cận với tri thức, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục dưới nhiều hình thức khác nhau. Phần lớn OER được số hoá nên rất thuận lợi cho việc học tập nhờ có những lợi ích từ ưu thế chính là mở, có thể học mọi lúc, mọi nơi và miễn phí. Như vậy, OER không chỉ giúp mọi người tiết kiệm đáng kể các khoản đầu tư cho giáo dục mà còn góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục. Thực trạng nước ta hiện nay, cũng như ở các nước nghèo và các nước đang phát triển khác, đang có rất nhiều người khó hay thậm chí không có khả năng trả chi phí cho việc mua sách vở, đến trường lớp thì các đối tượng này hoàn toàn có thể tự học, tích lũy kiến thức thông qua OER. Bên cạnh đó, với việc học tập kinh nghiệm từ các trường, các cá nhân đi trước, OER giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức, đặc biệt trong điều kiện mà nhân lực, vật lực của chúng ta còn rất hạn chế.

Bằng việc xây dựng OER, các trường đại học còn có thể đánh giá được những đóng góp của giảng viên đồng thời nắm bắt được nhu cầu của người học để có kế hoạch cải tiến, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học của trường mình. Việc cho phép truy cập mở đối với các chương trình đào tạo cũng giúp các trường thu thập được nhiều ý kiến đóng góp, trao đổi, phản biện từ cộng đồng người đọc; qua đó góp phần cập nhật, cải tiến công tác dạy và học đạt kết quả ngày càng cao.

  1. Các trường đại học Việt Nam với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở

Cũng như các hợp tác mở khác, để có được OER, cần có sự hợp tác và chia sẻ từ việc tạo dựng đến việc phát triển và chia sẻ các nguồn tài nguyên giáo dục. Do vậy, cần có sự sẵn sàng và cho đi của các bên tham gia xây dựng OER. Tuy nhiên các bên liên quan cũng hiểu về triết lý CHO – NHẬN của OER: càng nhiều người tham gia đóng góp cho OER thì bản thân mỗi người cũng sẽ nhận được nhiều hơn những gì họ cho đi từ việc đóng góp của những người khác. Dễ thấy chính sách mở của OER đi ngược với vấn đề bản quyền mà ở đó tác giả không chia sẻ những đóng góp của họ cho cộng đồng, trừ khi việc chia sẻ đó mang lại cho họ những quyền lợi nào đó. Có thể nói rằng những tác giả đóng góp tài nguyên vào OER đã chấp nhận sự “hy sinh” quyền lợi. Vì thế, xây dựng được đội ngũ những tập thể, cá nhân tham gia phát triển OER là yếu tố then chốt cho sự thành công của OER. Ở chiều ngược lại, những người sử dụng OER cần “tri ân” những người đã đóng góp xây dựng nên OER thông qua việc tôn trọng CC, trong đó nổi bật nhất là vấn đề ghi công tác giả đã đóng góp vào OER.

Bản chất của OER là chia sẻ và khai thác mở, do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các trường đại học trong việc xây dựng các tài liệu học tập mở. Một trường đại học khó thể xây dựng được OER vì công việc này đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Kinh phí phục vụ cho việc xuất bản giáo trình, tài liệu tham khảo trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay bao gồm kinh phí để hỗ trợ cho giảng viên biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo; kinh phí để tổ chức những hội đồng thẩm định đối với các giáo trình, tài liệu tham khảo này và kinh phí để in và phát hành. Thông thường, việc bán giáo trình, tài liệu tham khảo sẽ bù đắp lại phần nào những chi phí ở trên. Rõ ràng là việc xây dựng OER sẽ giúp giảm thiểu kinh phí in ấn và phát hành; tuy nhiên OER lại đòi hỏi kinh phí ban đầu để xây dựng hệ thống thông tin và phần mềm quản lý đáp ứng yêu cầu quản lý và tìm kiếm tài liệu cũng như đường truyền phục vụ cho việc truy cập tài liệu qua internet. Một ưu điểm nữa của OER cũng có thể được nêu ra là dù các trường có bỏ ra nguồn kinh phí lớn để xây dựng hệ thống giáo trình, tài liệu tham khảo như hiện nay nhưng cái họ tạo ra cũng chỉ phục vụ cho các chương trình đào tạo mà họ cung cấp. Với một số trường, với một ngành hay môn học có ít người tham gia, việc in một số lượng lớn (vài trăm cuốn) sách (giáo trình, tài liệu tham khảo) sẽ đòi hỏi thời gian phát hành rất lâu và các đơn vị sẽ không “hào hứng” với việc xuất bản này. Kết quả là có những sách có chất lượng tốt nhưng lại không đến được với người có nhu cầu. Sự tham gia của các trường đại học sẽ tạo nên một cộng đồng có chung một mục đích và chia sẻ trách nhiệm với nhau. Mỗi một trường chỉ cần phát triển một phần và đóng góp vào kho tài nguyên chung, sẽ tạo nên một hệ sinh thái nội dung đa dạng cho OER. Người học và cả người biên soạn qua đó cũng tiếp cận được vấn đề từ nhiều phía.

Theo tác giả Lê Trung Nghĩa, trong khi chúng ta còn đang tìm cách trả lời câu hỏi đối với Việt Nam, ở đâu đang sản xuất và sử dụng OER thì ở nước ngoài đã xuất hiện các trang web về OER cả ở bậc đại học như MERLOT (https://www.merlot.org/merlot/index.htm), cũng như cho giáo dục phổ thông như CK-12 (https://www.ck12.org/). Các trang web này cung cấp nội dung OER, thậm chí bằng tiếng Việt. Điều này giúp cho mọi học sinh phổ thông và sinh viên của Việt Nam hoàn toàn có khả năng ngồi ở Việt Nam và học các sách giáo khoa và các nội dung giáo dục của Mỹ bằng tiếng Việt mà không phải trả chi phí nào ngoài việc phải có kết nối Internet. Điều này đòi hỏi các giáo viên và các cơ sở giáo dục của Việt Nam phải đẩy nhanh tiên độ xây dựng và phổ biến OER của chính mình.

  1. Một vài đề xuất đối với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở Việt Nam

Để có thể xây dựng thành công tài nguyên giáo dục mở cho các trường đại học ở Việt Nam nói riêng và cho hệ thống giáo dục của Việt Nam nói chung, theo chúng tôi cần thực hiện các công việc sau:

Một là, xây dựng một văn bản có tính pháp quy về việc xây dựng OER, trong đó đề cập đến vai trò, quyền lợi của các tổ chức cá nhân khi tham gia đóng góp cho OER;

Hai là, tuyên truyền rộng rãi về vai trò của OER đối với sự phát triển của giáo dục Việt Nam cũng như triết lý cho đi để nhận được nhiều hơn để các đơn vị, cá nhân thấy được vai trò, ý nghĩa, tác dụng của việc xây dựng OER và tự nguyện tham gia vào công việc có ý nghĩa này;

Ba là, tìm kiếm các nguồn tài trợ đóng góp cho việc xây dựng OER nhằm khuyến khích hỗ trợ những cá nhân đã tham gia chia sẻ tài nguyên cho hệ thống tài nguyên giáo dục mở. Đồng thời, hỗ trợ cho việc thẩm định, đánh giá để đảm bảo các nội dung đưa lên hệ thống OER chung thực sự là những tài liệu có giá trị, đã và đang được sử dụng tại các cơ sở giáo dục;

Bốn là tăng cường tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về sở hữu trí tuệ trong nhà trường để đảm bảo rằng việc đóng góp tài nguyên cho OER không vi phạm bản quyền. song song với đó, cần triển khai áp dụng các giấy phép CC đối với việc cung cấp tài nguyên cho OER, đảm bảo giấy phép CC là bắt buộc.

Năm là tăng cường đầu tư xây dựng các phần mềm quản lý đồng thời tăng cường quảng bá thông tin để việc tìm kiếm, tiếp cận với các tài nguyên giáo dục mở được nhiều người biết đến và tìm kiếm thuận lợi.

Tài liêu tham khảo

[1]. UNESCO. How has UNESCO supported OERs? Truy cập từ http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/access-to-knowledge/ open-educational-resources/how-has-unesco-supported-oers/ (truy cập ngày 9/4/2019)

[2]. OECD. Giving Knowledge for Free : the Emergence of Open Educational Resources. Truy cập từ http://www.oecd.org/edu/ceri/38654317.pdf (truy cập ngày 9/4/2019)

[3]. Wiley, D. (2010) Openness as catalyst for an educational reformation, EduCause Review, Vol. 45(4). pp. 14-20.

[4]. Lê Trung Nghĩa. Rất cần khoa học mở cho cách mạng công nghệ 4.0. Tạp chí Tia sáng. Truy cập từ http://tiasang.com.vn/-doi-moi-sang-tao/Rat-can-khoa-hoc-mo-cho-CMCN-40–10878 (truy cập ngày 16/4/2019)

Scroll