Rào cản trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở và giải pháp

BÀI THAM LUẬN

Hội thảo khoa học “Trường đại học với việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở,

đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn”

Người viết bài: Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thoại – Trường Đại học Trà Vinh.

RÀO CẢN TRONG VIỆC XÂY DỰNG TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ VÀ GIẢI PHÁP

1. Đặt vấn đề

Trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi xu hướng giáo dục cũng phải thay đổi cho phù hợp. Xu hướng giáo dục trong tương lai là xu hướng giáo dục mở. Một nền giáo dục mà mọi cá nhân đều được đối xử bình đẳng khi tham gia học tập. Và để xây dựng nền giáo dục mở đòi hỏi phải xây dựng được nguồn tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) vì OER sẽ tạo ra sự bình đẳng cho người học và người dạy trong việc tiếp cận nguồn học liệu giáo dục chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí, bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới cũng có thể chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng từ nguồn tri thức này [1]. Trong khuôn khổ bài viết này tập trung phân tích các rào cản trong việc xây dựng tài nguyên giáo dục mở bắt nguồn từ tính chất của nó và đề xuất các giải pháp tương ứng.

2. Nội dung

2.1. Khái niệm giáo dục mở

Wikipedia định nghĩa giáo dục mở 1 như sau: “là một thuật ngữ mô tả mô hình giáo dục được thiết kế để mở rộng sự tiếp cận việc học tập so với giáo dục chính quy thông thường, bằng nhiều biện pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự phát triển nguồn tư liệu giáo dục mở trong mọi môi trường học tập”. Còn website của Bộ Giáo dục Mỹ 2 nói về giáo dục mở như sau: “Chúng tôi tin tưởng rằng các cơ hội giáo dục nên là sẵn sàng cho tất cả những người học. Việc tạo ra một hệ sinh thái giáo dục mở có liên quan tới việc tạo ra các tư liệu, dữ liệu học tập và các cơ hội giáo dục sẵn sàng mà không có các hạn chế được các luật bản quyền, các rào cản truy cập, hoặc các hệ thống sở hữu độc quyền đặt ra làm cho thiếu tính tương hợp và hạn chế sự trao đổi thông tin một cách tự do”.

2.2. Khái niệm tài nguyên giáo dục mở

Để xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở thành công thì đòi hỏi các bên tham gia phải hiểu đúng bản chất của nó. Có rất nhiều khái niệm về tài nguyên giáo dục mở. Tuy nhiên, bài viết này chọn khái niệm theo hướng tiếp cận của UNESCO đó là khái niệm tập trung vào hướng phát triển nội dung và tôi cho rằng nó phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên của quá trình xây
dựng tài nguyên mở. Theo UNESCO, OER có thể được coi là bất cứ tài liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi/ miền công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở, bất cứ ai cũng có thể sao chép, sử dụng, sửa đổi và chia sẻ một cách hợp pháp các tài liệu này. OER có thể là giáo trình, khung chương trình đào tạo, đề cương môn học, bài giảng, bài luận, các bài kiểm tra, các kết quả dự án, video và hình ảnh động [2]

2.3. Khái niệm giấy phép mở

Từ khái niệm giáo dục mở và tài nguyên mở nêu trên. Để xây dựng được tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho nền giáo dục mở thì đòi hỏi phải có những quy định mở về bản quyền tác giả. Và đó chính là giấy phép mở. Theo Wiley cho rằng khái niệm mở trong học liệu liên quan đến hai vấn đề chính đó là chi phí và việc cấp phép bản quyền và các quyền liên quan. Theo Wiley, mở có nghĩa là tài nguyên đó miễn phí và có tuyên bố một hoặc tất cả bốn quyền đó là: Tái sử dụng (Reuse), Sửa đổi (Revise), Trộn lẫn (Remix) và Phân phối lại (Redistribute). Thường gọi tắt là “4Rs”. Các quyền này đi kèm sẽ giúp cho tài nguyên hoàn toàn miễn phí và tự do trong việc sử dụng. Cụ thể các quyền:
– Tái sử dụng: Quyền được sử dụng lại nội dung với hình thức không đổi hay đúng nguyên văn của bản gốc (ví dụ, một bản sao của tài liệu gốc).
– Sửa đổi: Quyền được tiếp nhận, điều chỉnh, sửa đổi, hoặc thay đổi nội dung của tài liệu gốc (ví dụ, dịch nội dung một tài liệu sang một ngôn ngữ khác).
– Trộn lẫn: Quyền được kết hợp các nội dung của tài liệu gốc hoặc sửa đổi với nội dung gốc rồi kết hợp các nội dung khác để tạo ra một bản mới (ví dụ, một tài liệu tổng hợp từ nhiều nội dung khác nhau).
– Phân phối lại: Quyền được chia sẻ các bản sao của nội dung tài liệu gốc, cũng như các phiên bản khác của nó, hoặc là những bản đã được chỉnh sửa, trộn lẫn (ví dụ, đưa một bản sao tài liệu cho một người bạn sử dụng) [3]. Hiện nay, trên thế giới có hệ thống giấy phép của Creative Commons (CC) được sử dụng phổ biến nhất. Giấy phép CC được xuất bản lần đầu vào năm 2002. Đến tháng 11/2014 đã có khoảng 880 triệu tư liệu được cấp phép CC, còn trên trang chuyên lưu trữ ảnh tự do Flickr, cho tới tháng 3/2015 đã có tới 306 triệu ảnh chụp mang giấy phép CC [4]. Giấy phép CC không phải là một văn bản có tính pháp lý, nhưng giúp một tác giả quyết định phát tán tác phẩm của mình theo phạm vi mà mình cho phép và người sử dụng biết được mình sẽ sử dụng tác phẩm này ở mức độ nào. Điều này giúp người sử dụng tránh được những rắc rối liên quan đến vấn đề bản quyền. Hệ thống giấy phép của CC cụ thể hoá 4Rs như đã phân tích ở trên. Như vậy, để xây dựng được tài nguyên giáo dục mở thì Việt Nam cần phải có những quy định về giấy phép mở nhằm đảm bảo có được các quyền nêu trên trong tài nguyên mở được phát hành.

3. Lợi ích của việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở

Từ những đặc trưng nêu trên, tài nguyên giáo dục mở sẽ mang lại những lợi ích như sau:
– Mang đến cơ hội học tập cho cộng đồng: thông qua việc bình đẳng tiếp cận học liệu chất lượng cao trong tài nguyên giáo dục mở của tất cả mọi người có nhu cầu học tập, tiếp cận tri thức.
– Tiết kiệm chi phí trong giáo dục: ở đây bài viết muốn đề cập đến chi phí đầu tư từ phía đơn vị đào tạo và người học cụ thể như sau:
+ Về phía đơn vị đào tạo: việc phát triển OER phải dựa trên nền tảng của cộng đồng xây dựng và sử dụng. Do đó, khi xây dựng thành công OER thì đồng nghĩa với việc các trường đại học chung tay xây dựng và chia sẽ tài nguyên học liệu mở. Qua đó, sẽ giúp cho các trường giảm giá thành xây dựng học liệu vì khi đó mỗi trường chỉ phải đầu tư xây dựng một phần học liệu của mình mà không phải đầu tư xây dựng toàn bộ học liệu của các ngành mà đơn vị mình đào tạo.
+ Về phía người học: người học sẽ được tiếp cận miễn phí kho tri thức của tài nguyên giáo dục mở so với thực tế hiện nay người học phải bỏ tiền mua sách, tài liệu giấy được xuất bản hay trả chi phí cho việc tải các tài liệu số trên internet.
– Nội dung học liệu được cập nhật và có chất lượng: với tính mở của mình thì học liệu sẽ luôn được các nhà khoa học cập nhật liên tục và được đánh giá bởi các các chuyên gia trong cộng đồng học thuật. Khác với việc các cuốn sách giáo khoa truyền thống được xuất bản và sử dụng vĩnh viễn nếu không cập nhật và tái xuất bản kịp thời từ tác giả. Từ đó kiến thức có thể bị lạc hậu và lỗi thời đối với người tham khảo.
– Cá nhân hóa trong giáo dục: vì lý do chi phí mà giáo dục truyền thống không thể cá nhân hóa giáo dục. Vì ai cũng biết rằng tính loạt càng cao thì chi phí đơn vị càng rẻ [5]. Với việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở trong triển khai đào tạo thì các đơn vị đào tạo có thể cá nhân hóa giáo dục với chi phí thấp. Đồng thời, với cách giáo dục đồng loạt thì chắc chắn một phần sẽ che lấp mầm móng
nhân tài, che lấp những viên kim cương dưới bề mặt đã được khỏa bằng để thành trình độ chung [5]. Do đó, với tính cá nhân hóa trong sử dụng tài nguyên giáo dục mở sẽ khắc phục được vấn đề cào bằng trong giáo dục tuyền thống nêu trên.
– Tạo ra sự công khai, minh bạch trong học thuật: các kết quả nghiên cứu sẽ được công khai trong tài nguyên giáo dục mở và được cộng đồng giám sát, đánh giá và sử dụng. Bất kỳ sự gian lận nào trong nghiên cứu cũng được cộng đồng phát hiện một cách dễ dàng.

4. Rào cản trong xây dựng tài nguyên giáo dục mở hiện nay.

Từ đặc trưng của OER và bối cảnh giáo dục Việt Nam, tôi nhận thấy các rào cản phi tài chính sẽ gặp phải trước mắt khi xây dựng tài nguyên giáo dục mở như sau:
– Rào cản về nhận thức: Theo kết quả khảo sát của 40 trường đại ọc và các công ty công nghệ của của Đỗ Văn Hùng cùng cộng sự [6] cho thấy có 68% giảng viên, 50% cán bộ thư viện và chỉ 34% sinh viên biết về sự tồn tại của OER. Tuy nhiên phần lớn họ không biết về vấn đề bản quyền, chỉ dưới 10% số người được hỏi biết về hệ thống giấy phép CC. Qua đó, cho thấy nhận thức và
hiểu biết của cộng đồng về OER còn rất hạn chế.
– Rào cản về tư duy: Theo Giáo sư Trần Hồng Quân “giáo dục mở không phải là một bộ phận được hình thành như là một sự bổ sung, đứng bên cạnh hệ thống giáo dục truyền thống, mà tư duy mở phải được thẩm thấu vào hệ thống giáo dục truyền thống, tạo ra sự phát triển của toàn bộ hệ thống” [5]. Tư duy giáo dục truyền thống đã khắc sâu vào trong nhận thức của người học và đa
phần người dạy. Theo ghi nhận và quan sát từ thực tiển tôi thấy rằng, giảng viên hiện nay rất ngại chia sẻ tài liệu, giáo trình biên soạn hay các công trình nghiên cứu với tinh thần truy nhập mở. Và dẫn đến các đơn vị tham gia cung cấp các chương trình đào tạo cho xã hội cũng không chia sẻ tài nguyên của đơn vị mình xây dựng. Một ví dụ điển hình đó là hầu hết thư viện điện tử của các trường đại học, cao đẳng trong nước không có tính liên kết với nhau.
– Rào cản về bản quyền và giấy phép: rào cản này xuất phát từ đặc trưng của OER. Theo nghiên cứu của tác giả Đỗ Văn Hùng “81% người được hỏi cho rằng bản quyền là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tác giả, các trường đại học sẵn sàng tham gia đóng góp và phát triển OER hay không. Tình trạng vi phạm bản quyền hiện nay tại Việt Nam là rào cản lớn để mọi người sẵn sàng chia sẻ” [6]. Thực tế cho thấy tại Việt Nam, khi xảy ra tranh chấp về bản quyền, quyền tác giả thì cơ quan thực thi pháp luật dựa vào Luật sở hữu trí tuệ và các quy định cụ thể về bản quyền, quyền tác giả để xứ lý, công bố kết quả xử lý, cá nhân vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, vấn đề này đi ngược lại hoàn toàn mục tiêu xây dựng OER.

5. Một số giải pháp xây dựng tài nguyên giáo dục mở

Giáo dục mở thì đòi hỏi phải có một tư duy mở và một văn hóa mở. Cho dù các trường đại học có chủ trương phát triển OER, nhưng đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học của các trường không đồng ý cung cấp các tác phẩm của họ dưới dạng OER thì cũng không thực hiện được. Do đó, qua bài viết này tôi tập hợp và đưa ra các giải pháp xây dựng tài nguyên giáo dục mở cụ thể như sau:
– Truyền thông về OER và huấn luyện xây dựng OER: cần có những chiến lược truyền thông về OER để cộng đồng hiểu được những lợi ích khi sử dụng OER trong giáo dục và đào tạo. Đồng thời cần tổ chức các khóa đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học về phương pháp xây dựng OER ở các đơn vị đào tạo chủ lực được giao nhiệm vụ xây dựng tài nguyên giáo dục mở ở giai đoạn đầu và nhân rộng cho các đơn vị tham gia đào tạo còn lại trong cả nước ở giai đoạn tiếp theo.
– Xây dựng văn hóa mở trong học thuật: tức là văn hóa cộng tác, chia sẻ và sử dụng các giáo trình, bài giảng, các công trình nghiên cứu của giảng viên, nhà khoa học của các đơn vị tham gia cung cấp chương trình đào tạo với tinh thần OER.
– Các đơn vị tham gia xây dựng tài nguyên mở cần xây dựng cơ chế chính sách khen thưởng, khuyến khích giảng viên, các nhà khoa học tham gia xây dựng tài nguyên giáo dục mở của nhà trường nói riêng và của quốc gia nói chung.
– Nghiên cứu, triển khai và áp dụng giấy phép của CC tại Việt Nam. Để áp dụng được giấy phép này thì cơ quan quản lý cần xây dựng quy định, có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể đến các cá nhân, các đơn vị tham gia xây dựng OER.

6. Kết luận

Chủ trương “xây dựng tài nguyên giáo dục mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người lớn” của Bộ Giáo dục và Đào tạo là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn nền giáo dục hội nhập và phải thay đổi cho phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Tại Hội thảo khoa học quốc gia về “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ, hội nhập quốc tế” Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, những rào cản đối với tinh thần giáo dục mở, cản trợ người học, người dạy, cơ sở giáo dục cần phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết. Đồng thời tập trung xây dựng hệ thống học liệu mở, một thành phần xây dựng hệ tri thức Việt số hóa [7]. Do đó, trong khuôn khổ bài viết này xin đề cập đến một số rào cản và đưa ra các giải pháp về tinh thần giáo dục mở, nhằm góp phần xây dựng thành công hệ thống tài nguyên giáo dục mở của quốc gia phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người lớn trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

[1] Thùy Linh (2018) . Thuận lợi và khó khăn khi sử dụng tài nguyên mở hiệu quả trong bối cảnh tự chủ. https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Tin-Hiep- hoi/Thuan-loi-va-kho-khan-khi-su-dung-tai-nguyen-mo-hieu-qua-trong-boi- canh-tu-chu-post185881.gd [truy cập ngày 5/4/2019]

[2] UNESCO. How has UNESCO supported OERs. http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/access-to-knowledge/open-educational-resources/how-has-unesco-supported-oers/. [Truy cập 5/4/2019]

[3]  Wiley, D (2010) Openness as catalyst for an educational reformation// Educause Review. – 2010. – No. 45(4). – P.. 15-20.

[4] Lê Trung nghĩa (2016). Tổng quan về tài nguyên giáo dục mở. Trung tâm nghiên cứu và phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở, Bộ Khoa học và Công nghệ.

[5] Trần Hồng Quân (2018). Các giải pháp phát triển giáo dục theo hướng mở. https://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Cac-giai-phap-phat-trien-nen- giao-duc-theo-huong-mo-cua-Giao-su-Tran-Hong-Quan-post186444.gd [truy cập ngày 4/9/2019]
[6] Đỗ Văn Hùng (2016). Tài nguyên giáo dục mở và nhận diện các yếu tố tác động đến việc phát triển tài nguyên giáo dục mở tại Việt Nam. Tạp chí thư viện Việt Nam.

[7] Đình Nam (2018). Gỡ bỏ mọi rào cản để giáo dục đến với mọi người dân thuận lợi, bình đẳng. http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Go-bo-moi-rao- can-de-giao-duc-den-voi-moi-nguoi-dan-thuan-loi-binh-dang/336553.vgp [truy
cập 5/9/2019].

[8] Bùi Hà Phương (2016). Tác động của tài nguyên giáo dục mở đối với hành vi thông tin của giảng viên. Tạp chí thư viện Việt Nam.
[9] Đỗ Ngọc Minh. VOER và giải pháp cho sự thiếu hụt tài liệu chất lượng cao cho giáo dục đại học tại Việt Nam. https://voer.edu.vn/m/voer-va-10-giai-phap-cho-su-thieu-hut-tai-lieu-chat-luong-cao-cho-giao-duc-dai-hoc-tai-
viet-nam/48a80ee7 [truy cập 4/9/2019].

[10] Nguyễn Danh Minh Trí (2017). Vai trò của tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.Tạp chí Thư viện Việt Nam.

Scroll