Xây dựng các nguồn tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn tại Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

XÂY DỰNG CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN GIÁO DỤC MỞ

ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỌC TẬP CỦA NGƯỜI LỚN TẠI

TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHỆ ĐỒNG NAI

 

Đặng Kim Triết

Đồng Thị Thanh Thoan

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai

Email: dangkimtriet@dntu.edu.vn

 

ABSTRACT

Open education is more and more growing in the world, in order to improve the quality of open education, one of the important issues is to build a system of quality open educational resources, regularly supplemented and completed. Obtaining an open educational resource system requires educational institutions to invest in learning and teaching materials, information technology infrastructure and good facilities. Also, the policy makers must come up with consistent policies for the use of open educational resources.

Although Dong Nai Technology University has newly established and is very young but pays attention to developing an open educational resource system. In the immediate future, the open educational resources of Dong Nai Technology University only serve students, graduate students and lecturers to share lectures and information. But surely, in the future, the open educational resource system of Dong Nai Technology University will contribute to effectively support the learning of adults who do not have the opportunity to go to school or exchange with teachers and learners all over the world.

TÓM TẮT

Giáo dục mở ngày càng phát triển trên thế giới, để nâng cao chất lượng giáo dục mở, một trong những vấn đề quan trọng là xây dựng một hệ thống tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER)  chất lượng, thường xuyên được bổ sung hoàn thiện. Muốn có hệ thống OER đòi hỏi cơ sở giáo dục phải đầu tư được các tài liệu học tập, giảng dạy, cơ sở hạ tầng thông tin, máy móc trang thiết bị tốt, nhà nước phải đưa ra được các chính sách nhất quán cho việc sử dụng OER.

Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai (DNTU) tuy mới thành lập, còn rất non trẻ nhưng rất chú ý phát triển hệ thống OER. Trước mắt OER của DNTU mới chỉ phục vụ cho sinh viên, học viên cao học và giảng viên tra cứu, chia sẻ bài giảng và thông tin. Nhưng chắc chắn, trong tương lai Hệ thống OER của DNTU sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho việc học tập của người lớn chưa có cơ hội đến trường hoặc trao đổi giao lưu với giảng viên và người học trên toàn thế giới.

Từ khóa: Giáo dục mở, OER, DNTU

  1. Đặt vấn đề

Giáo dục mở đang phát triển ở rất nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Có rất nhiều phương pháp nâng cao chất lượng giáo dục mở, trong đó xây dựng hệ thống tài nguyên đáp ứng nhu cầu của người học là một trong những phương pháp vô cùng quan trọng. Hệ thống này phải luôn được cập nhật và hoàn thiện không ngừng.

OER là các tư liệu dạy, học và nghiên cứu khoa học trong bất kỳ phương tiện nào dù là số hay không, nằm trong miền công cộng hoặc đã phát hành theo giấy phép mở cho phép người khác truy cập sử dụng tùy biến thích nghi và phân phối không mất phí, không có các giới hạn hoặc có các giới hạn được hạn chế. Việc cấp phép mở được xây dựng trong khuôn khổ quyền sở hữu trí tuệ hiện hành như các quy ước quốc tế xác định và tôn trọng vị thế tác giả của tác phẩm. OER được sử dụng trong học tập và giảng dạy sẵn có cho phép mọi người được sử dụng miễn phí [1, 9].

Nguồn OER khơi dậy tiềm năng giáo dục đào tạo hiện đại. Tính chất dễ dàng, đơn giản, dễ chia sẽ là một trong những yếu tố quan trọng của đào tạo hiện đại, tạo thuận lợi cho việc sử dụng lại và tiềm năng cho sử dụng tùy biến thích nghi, không cần phải có sự cho phép của người nắm giữ bản quyền.

Nguồn OER là nguồn tài nguyên học tập có sẵn trên mạng, cho phép người học truy cập tự do mà không phải trả bất kỳ khoản phí nào, người học dễ dàng tiếp cận được với nguồn tài nguyên mới, nhanh hơn, nhiều hơn, góp phần vào việc cung cấp nguồn học liệu giúp cho mọi người học tập và trau dồi kỹ năng tốt hơn [10. 11].

  1. Vai trò của nguồn tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn

Học tập là hoạt động giúp cho con người thích ứng với cuộc sống và hoạt động luôn luôn biến đổi. Người lớn học là những nội dung thật sự cần thiết. Do điều kiện phát triển hiện đại, công việc luôn biến đổi, người lớn được tham gia học tập trong môi trường đặc biệt: môi trường học tập cộng đồng. Học tập của người lớn có mục đích rõ ràng, cụ thể có tính thực dụng cao. Họ muốn học tập những nội dung kiến thức được vận dụng ngay vào thực tế cuộc sống. Người lớn chỉ thực sự tham gia học tập khi nào họ thấy cần. Vì thế OER đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc sử dụng tài nguyên giáo dục mở [6].

Trên thế giới và Việt Nam hiện nay có rất nhiều dịch vụ truy cập mở trong việc sử dụng OER. OER đem đến cho người dùng khả năng truy cập miễn phí các nguồn tài nguyên trên thế giới bao gồm tạp chí, sách điện tử, cơ sở dữ liệu. Việc xây dựng OER và truy cập mở hỗ trợ cho các trường đại học trong việc nâng cao chất lượng của nguồn tài nguyên giáo dục. Hệ thống OER ngày càng hiện đại, chất lượng và hoàn thiện hơn nhờ sự đóng góp và xây dựng từ giảng viên, sinh viên, các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục. Truy cập OER hỗ trợ cho người lớn không có thời gian đến lớp, tùy ý học bất cứ khi nào, ở đâu mà vẫn học tập đạt kết quả tốt. Truy cập OER hỗ trợ các trường đai học ngày càng tốt hơn. Các cơ sở đào tạo nắm bắt trực tiếp được nhu cầu đào tạo của người học. Được sự đóng góp ý kiến của các đội ngũ giáo viên, các nhà nghiên cứu, sinh viên, các trường đại học đưa ra được kế hoạch cải tiến chất lượng giáo dục trong tương lai, cũng như mở ra đào tạo từ xa, tại chức cho người lớn hoặc người học đang làm việc, học tập [4, 14].

Nguồn OER hỗ trợ quá trình học tập, nghiên cứu được thuận lợi dễ dàng, chia sẻ tri thức, phổ biến các công trình khoa học đến xã hội. Giúp cho người học có định hướng tốt và nâng cao chất lượng học tập của mình. Nguồn dữ liệu OER giúp cho các trường đại học xây dựng hoàn thiện khung chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, thu thập nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất để thay đổi cho phù hợp với người học.

Truy cập nguồn dữ liệu OER giúp cho người học có nhiều nguồn tài liệu học tập, cơ hội tham gia vào quá trình giáo dục hiệu quả hơn. Truy cập OER người học không chỉ tiếp cận tri thức nhanh hơn mà còn có nhiều cơ hội mở rộng hiểu biết, được giải đáp thắc mắc cụ thể thông qua học tập tương tác trao đổi với giảng viên.

Truy cập nguồn dữ liệu OER mở ra cơ hội cho tất cả các trường đại học chia sẻ tài nguyên học tập, cán bộ giảng dạy, giúp cho các trường có kế hoạch chiến lược mới phù hợp, cải tiến quá trình giảng dạy, nghiên cứu bố trí giảng viên hiệu quả, đạt kết quả cao hơn. Tuy nhiên, xây dựng được các nguồn OER chất lượng, hiệu quả cần phải có sự nỗ lực của nhiều phía. Đối với các đơn vị đào tạo: Đầu tư xây dựng được đủ nguồn tư liệu, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị máy móc hiện đại. Các trường phải có chiến lược phù hợp để triển khai OER và truy cập mở. Ngoài ra các cơ sở đào tạo cũng phải trau dồi kiến thức, công nghệ cho các cán bộ, giảng viên thay đổi cách tư duy giảng dạy theo lối truyền thống cũ, thật sự nắm vững xu thế và tinh thần tự do chia sẻ các nguồn OER với nhau. Sự non yếu về tư duy, ít tiếp cận công nghệ mới sẽ kìm hãm sự phát triển, lan tỏa mạng lưới sử dụng OER. Đối với nhà nước cần phải có chế độ chính sách phù hợp, khuyến khích các đơn vị đào tạo đầu tư công nghệ mới, xây dựng được các chính sách phù hợp với việc sử dụng nguồn OER.

OER là công cụ hỗ trợ tất cả mọi người trong xã hội có cơ hội nắm bắt thông tin, làm giàu kiến thức, đáp ứng nhu cầu của người tự học, đặc biệt người lớn không có điều kiện đến lớp được học tập ở mọi lúc, mọi nơi và miễn phí. OER chắc chắn là nguồn tài liệu cho phép mọi đối tượng được tiếp cận tri thức, nâng cao được chất lượng giáo dục nhất là cho những người tự học, vừa học vừa làm. Mạng lưới chia sẻ OER trên thế giới rất rộng lớn và ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng.

Việt Nam là nước đã được kết nối internet năm 1997 và nhanh chóng trở thành một nước phát triển nhanh nhất Châu Á về công nghệ thông tin và truyền thông. Nắm bắt cơ hội này nhiều trường Đại học và cơ sở đào tạo ở Việt Nam đã áp dụng hệ thống giảng dạy và học tập điện tử vào các hoạt động đào tạo. Tuy nhiên, học tập điện tử ở các trường đại học tại Việt Nam vẫn còn sơ khai. Sử dụng hệ thống OER vẫn chưa thật sự lôi cuốn được giảng viên và sinh viên [2, 3].

  1. 3. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai xây dựng nguồn tài nguyên giáo dục mở để đáp ứng nhu cầu của người học

Nhận thấy OER và truy cập mở đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, DNTU đã có nhiều hoạt động tích cực nhằm phổ biến về OER cho cộng đồng trong môi trường giáo dục của mình (Các nhà quản lý, giảng viên, người học). Nhà trường đã tổ chức nhiều Hội thảo chuyên đề về OER. OER là gì? Những lợi ích và OER mang lại? Cách thức để họ cho và nhận trong môi trường OER. Tháng 8/2016, DNTU đã phối hợp với Liên chi Hội Thư viện các trường đại học phía Nam tổ chức khóa tập huấn tại trường với 02 nội dung: vấn đề thực thi quyền tác giả trong hoạt động các Thư viện và OER trong các trường đại học. Tại lớp tập huấn, nhà trường đã mời những chuyên gia hàng đầu từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Quốc gia về Công nghệ Mở, Bộ Khoa học và Công nghệ, những lãnh đạo đầu ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội hướng dẫn cho hơn 300 cán bộ Thư viện thuộc các trường đại học khu vực phía Nam, các giảng viên và người học của DNTU về OER.

Trung tâm Thông tin – Thư viện trường DNTU là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện tổ chức, điều hành, giám sát về hoạt động OER trong toàn trường. Ngoài việc phục vụ cho người sử dụng các nguồn tài liệu in, cơ sở dữ liệu mua quyền truy cập, hiện nay nguồn tài nguyên giáo dục truy cập mở của DNTU cung cấp các nguồn tài liệu chất lượng cao từ các trường đại học, các nhà xuất bản trên thế giới và các nguồn tài nguyên truy cập mở có uy tín tại Việt Nam dưới dạng truy cập mở. Tất cả các cơ sở dữ liệu này đều được giới thiệu, hướng dẫn sử dụng trên cổng thông tin điện tử của Trung tâm Thông tin – Thư viện (http://lib.dntu.edu.vn/) của DNTU.

Hình 1: Các nguồn tài liệu học mở được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng trên cổng thông tin của Thư viện.

Bên cạnh đó nhà trường triển khai thực hiện các hoạt động liên kết, chia sẻ. Hình thức hợp tác dựa trên nhu cầu thực tế của các trường đại học bởi đây là sự hợp tác mang tính bền vững nhất: có cùng chung lợi ích. Bất kỳ trường đại học nào cũng có thể tham gia hợp tác xây dựng nguồn tài nguyên dùng chung miễn là thấy mình thực sự có nhu cầu. Đến năm 2019, DNTU đã ký thỏa thuận hợp tác, liên kết và chia sẻ miễn phí về lĩnh vực thông tin – thư viện với các trường: Đại học Đồng Nai, Đại học Bình Dương, Đại học Hùng Vương, Thư viện Tỉnh Đồng Nai, Thư viện RMIT Việt Nam, Thư viện Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh.  Nguồn tài liệu chính để xây dựng chính sách chia sẻ hợp tác giữa các trường đó là các nguồn tài liệu nội sinh, nguồn học liệu có sẵn: bài giảng, giáo trình, tài liệu tham khảo, luận văn, luận án, đề tài khoa học. Các trường tiến hành chuyển đổi những nguồn tài liệu thuộc quyền sở hữu của mình sang dạng mở, tránh không sử dụng các tài liệu mà mình không nắm bản quyền. Đây cũng là điều kiện đảm bảo để OER không vi phạm bản quyền. Để làm được như vậy, nhà trường đã xây dựng chính sách phát triển nguồn lực thông tin cho Trung tâm Thông tin – Thư viện. Theo đó, các cá nhân, tổ chức, giảng viên, người học sẽ cung cấp tài liệu là sản phẩm nghiên cứu của họ đã hoặc chưa được công bố cho Thư viện theo một bản giao nộp tài liệu có điều khoản về mức độ cho phép sử dụng tài liệu. Trên cơ sở đó Thư viện nhà trường thu thập, tổ chức, đưa ra chính sách khai thác và phân phối tài liệu tới người sử dụng.

Hình 2: Các nguồn tài liệu nội sinh (Tài liệu DNTU) được tổ chức và cung cấp cho người sử dụng trên cổng thông tin Thư viện.

Như vậy, từ việc thực hiện tổ chức, phục vụ tài liệu mở trong DNTU thực hiện tốt quyền tác giả và Luật sở hữu trí tuệ thì việc liên kết, chia sẻ nguồn tài liệu nội sinh với các cơ sở đào tạo khác sẽ được đảm bảo tính hợp pháp.

Rất nhiều các chuyên gia, giảng viên, học viên thuộc DNTU đang tham gia và hoạt động tích cực trên cộng đồng giáo dục dục Việt Nam thông qua trang web Thư viện Học liệu Mở Việt Nam www.voer.edu.vn. VOER là Thư viện học liệu mở online của Việt Nam, được thực hiện bởi Chương trình Giáo dục Mở Việt Nam (Vietnam Open Educational Resources – VOER), hỗ trợ bởi Quỹ Việt Nam (the Vietnam  Foundation), với mục tiêu xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở cho người Việt sử dụng và truy nhập miễn phí nguồn tài liệu hữu ích phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu, cũng như phục vụ cho toàn xã hội. Đây là trang web dựa vào phần mềm Connexions, đã được khởi xướng đầy đủ vào năm 2008 để chia sẻ tiếp các tư liệu giáo dục. Hiện nay, trang web VOER có hơn 22.238 tài liệu, 521 tuyển tập gồm các tài liệu học tập, bài giảng, danh mục tài liệu tham khảo, bài tập về nhà, bài thi, bài thí nghiệm , các tuyển tập, tạp chí…được biên soạn từ 9074 tác giả. Nguồn tài nguyên học liệu mở gồm các tài liệu tiếng Anh và tiếng Việt của nhiều lĩnh vực: Kinh tế, Khoa học xã hội – nhân văn, Khoa học và công nghệ, Toán học – Thống kê, Nghệ thuật… Thư viện VOER cũng trang bị phần mềm hỗ trợ việc tạo lập, phân phối, sử dụng và cải thiện nội dung học tập mở bao gồm cả việc tìm kiếm và tổ chức nội dung, công cụ phát triển nội dung, và các cộng đồng học tập trực tuyến. Phần mềm VOER còn cho phép đưa các giáo trình dưới dạng sách điện tử PDF để người sử dụng có thể đọc trên máy tính không có kết nối Internet hoặc in thành sách. Các tư liệu đó sẵn sàng tự do theo giấy phép Creative Commons Attribution (CC BY phiên bản 3.0) và đã được chuyển ngữ thành công sang ngôn ngữ tiếng Việt vào năm 2007.

DNTU đang trong lộ trình thực hiện đề án đổi mới giáo dục trong đó có đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tiếp cận CDIO và tăng cường hoạt động đào tạo trực tuyến (E-learning). Khi đã đào tạo theo hướng mở thì các nguồn tài liệu phục vụ cho giáo dục, đào tạo cũng phải theo xu hướng mở. Từ chương trình đào tạo, đề cương chi tiết môn học, giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo đều được cung cấp công khai, trực tuyến cho đối tượng người học. Để thực hiện được điều này, đi đôi với việc tăng cường các nguồn tài liệu (phần nội dung), nhà trường đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ để có thể thiết lập và vận hành được mô hình đào tạo trực tuyến một cách tốt nhất [5. 7, 8, 13].

  1. Một số đề xuất để phát triển nguồn tài nguyên giáo dục mở

Phát triển OER một cách bền vững chính là cơ sở để thúc đẩy cho học liệu mở phát triển đáp ứng nhu cầu giáo dục trong hội nhập mới. Phát triển hệ thống học liệu theo hướng mở, khai thác OER là một trong những giải pháp cần thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW để giáo dục đại học Việt Nam theo kịp các nước trên thế giới. Để phát triển OER tại các trường đại học chúng tôi đề xuất một số vấn đề sau:

– Xây dựng căn cứ pháp lý cho hoạt động OER tại Việt Nam: cần có 1 chính sách quốc gia về OER để trên cơ sở đó các cấp quản lý có thẩm quyền triển khai, hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục. Các trường đại học theo đó thực hiện nghĩa vụ và hưởng những quyền lợi của mình trong môi trường OER.

– Thành lập tổ chức phụ trách khai sáng, truyền lửa về lĩnh vực OER để tất cả các bên liên quan như các nhà làm chính sách, lãnh đạo các trường đại học, lãnh đạo các thư viện, các giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và cách doanh nghiệp hiểu rõ hơn OER. Từ đó họ nhận thấy được trách nhiệm của mình trong việc cung cấp nội dung và công nghệ cho OER.

– Một vấn đề còn là rào cản của quá trình tạo lập OER đó là vấn đề quyền tác giả trong quyền sở hữu trí tuệ. Vấn đề này trên thế giới đã có nhiều giải pháp nhưng đối với nước ta đang còn là một thách thức rất lớn. Đối với OER nguồn tài liệu trước khi xuất bản đều phải tuân thủ theo các quy định pháp lý được ghi rõ ràng trong giấy phép xuất bản Creative Commons (CC). Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có một văn bản chính thức nào của Nhà nước ban hành theo hướng giấy phép bản quyền mở. Chính vì vậy các tổ chức giáo dục cần có kiến nghị, đề xuất lên các cấp cao hơn để có được một văn bản pháp lý chính quy tạo nền tảng và hành lang pháp lý cho OER phát triển một cách bền vững.

– OER phát triển được phải dựa trên nền tảng của một cộng đồng xây dựng và sử dụng. Vì vậy rất cần có các dự án OER để tạo lập mô hình khai thác học liệu mở tại các trường đại học Việt Nam để tạo lập được một cộng đồng cùng đóng góp cho kho OER. Từ một mô hình OER thành công sẽ tổ chức các Hội thảo, các lớp hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng dự án để có thể phổ biến và nhân rộng khắp cả nước.

– Các trường đại học cần chủ động trong việc tạo lập một môi trường OER cho đơn vị mình: người tạo ra nội dung mở (chuyên gia, giảng viên) , nguồn học liệu/ nội dung mở, các dịch vụ và sản phẩm, các kênh phân phối thông tin (giải pháp công nghệ) và người sử dụng. Vì vậy nhà trường cần có những chính sách cụ thể cho việc phát triển nguồn OER tại đơn vị, từ việc thay đổi phương pháp dạy và học theo hướng mở (E – learning) và đầu tư nguồn nhân lực (số lượng, chất lượng), hạ tầng công nghệ thông tin, các biện pháp truyền thông đáp ứng cho việc quản lý, cung cấp tài nguyên mở theo yêu cầu của đào tạo.

  1. Kết luận

Hệ thống OER đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải đầu tư tài liệu học tập giảng dạy đa dạng thiết thực, cơ sở hạ tầng thông tin máy móc phục vụ cho hệ thống OER phải hiện đại để truy cập được mọi lúc mọi nơi. Cán bộ giảng viên và người học phải trau dồi kỹ năng công nghệ, thay đổi tư duy bắt nhịp với sự phát triển công nghệ và tư duy luôn đổi mới sáng tạo của thế giới, đồng thời nhà nước và các cơ quan quản lý phải xây dựng cơ chế chính sách cho phù hợp với việc truy cập mở của thệ thống OER.

Xây dựng hệ thống OER đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn lại có những yêu cầu riêng biệt phù hợp với tuổi tác, công việc, tư duy, môi trường học tập nó đòi hỏi OER phải thuận tiện, nhanh chóng, các thông tin phải ngắn gọn, hiệu quả, có tính thiết thực.

DNTU tuy còn rất non trẻ nhưng đã cố gắng xây dựng hệ thống OER rất bài bản, chuyên nghiệp, bước đầu hệ thống này đã phát huy được hiệu quả rất tốt. Hệ thống cũng đóng góp phần nào làm thay đổi tư duy tích cực của giảng viên và sinh viên Nhà trường. Nếu được sự hỗ trợ tích cực của nhà nước và xã hội. Hệ thống OER của DNTU sẽ góp phần tích cực vào việc đáp ứng nhu cầu học tập của người lớn tại DNTU.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đỗ Văn Hùng, (2017), Tạp chí Thông tin và Tư liệu.-T5 /2017.- Tr 3-14, Tài nguyên giáo dục mở – yếu tố tích cực cho đổi mới giáo dục đại học và mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
  2. Nguyễn Danh Minh Trí, (2017), Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2017. – Số 1. – Tr. 48-53, Vai trò của tài nguyên giáo dục mở và truy cập mở trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam.
  3. Neil Butcher, (2015)A Basic Guide to Open Educa- tional Resources (OER). – UNESCO and COL.
  4. Mundy, D.and Geskell, C, (2013). Dimensions of openness in MOOC environments,
  5. Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai & VILASAL(2016). Tài liệu tập huấn Vấn đề quyền tác giả trong hoạt động Thư viện và Tài nguyên giáo dục mở trong trường Đại học.
  6. Nguyễn Thị Phương Lan, (2016) Đặc điểm và phương pháp dạy học người lớn.
  7. Ban chấp hành trung ương, (2013) Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo,
  8. Kỷ yếu hội thảo, (2015), Xây dựng nền tảng học liệu mở cho giáo dục đại học Việt Nam.
  9. http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuyen-he-thong-giao-duc-cung-nhac-sang-giao-duc-mo-1380111243.htm. Chuyển hệ thống giáo dục cứng nhắc sang giáo dục mở.
  10. http://vnn.vietnamnet.vn/giaoduc/2007/09/745043. Học liệu mở và các khái niệm cơ bản.
  11. http://edu.net.vn/media/p/455708.aspx. Những khái niệm cơ bản liên quan tới tài nguyên giáo dục mở.
  12. http://huc.edu.vn/chi-tiet/3805/OER-va-ung-dung-trong-giao-duc.html, OER và ứng dụng trong giáo dục.
  13. http://voer.edu.vn/, (2008), Thư viện Học liệu Mở Việt Nam (VOER).
  14. http://vnfoss.blogspot.com/ 2016/07/truy-cap-mo-la-gi.html, Truy cập mở là gì?
Scroll